Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, December 14, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 9: NHÂN CÔNG VÀ NHỮNG MÁNH KHÓE CỦA KẺ LÀM THUÊ

December 14, 2014

Share it Please
   Sáng nay trời mưa phùn như kiểu mưa xuân ở xứ Bắc. Là nghe người Bắc di cư vào nói thế chứ mình dã ở ngoái đó đâu mà biết. Cô hàng xóm đứng ngoài hàng rào gọi với vào, hỏi nhà hái xong cà chưa bé. Rồi cô ấy than rằng cả đêm qua không ngủ được vì lo bão gần vào mà nhà thì neo người hái. Nhà họ còn nguyên một rẫy chưa tận thu. Trong nhà, mẹ thở đánh thượt một phát, nói hơ hời, mấy người hái thuê xin nghỉ vì mưa rồi. Mà thôi thế cũng được, họ chui dưới gốc cà mà đứng run rồi chờ đến giờ lấy tiền công thì mệt não.
Tác giả ảnh: Tuan Khoi
   Những người hái thuê đó là do bố mình đi chợ “vớ” được về. Nói là chợ nhưng thực ra chỉ là những đám đông ô hợp tụ tập ở các điểm chợ thông thường hoặc các giao lộ. Ở đó có một nhóm người mặc đồ cũ kỹ đứng túm tụm lại và người đi qua đường hiểu rằng họ có nhu cầu làm mướn. Ai cần nhân công thì ghé lại, ngả giá và thỏa thuận xong thì đám đông ấy chia năm sẻ bảy chạy ra nhiều hướng. Những ngày này đi dọc các con đường ở Tây Nguyên tầm sau giờ sáng thì sẽ gặp “chợ nhân công” kiểu này. Dạo này, cứ khoảng bốn giờ sáng thì bố mình phải chạy hơn mười lăm cây số, sang huyện bên cạnh để thuê chứ khu vực gần nhà khan “hàng” lắm.
   Những chủ rẫy thuê được người ăn ở tại nhà thì khỏe hơn một tí. Ngày xưa, khi mà xuất khẩu lao động sang nước ngoài còn chưa phổ biến thì đến mùa gió heo may thổi, lực lượng lao động khắp các vùng miền đổ về Tây Nguyên đông lắm. Có người khi vào đã có chủ đón nhưng có người đi theo bạn bè rồi tới nơi ắt có người đến xin thuê. Những ngày đầu tháng chín âm lịch, vào lúc trời còn mờ đất, thường hay diễn ra cảnh một vài người lay từng cánh tay của người lạ vừa bước xuống xe, hỏi đã có ai thuê chưa. Nghe giọng nói cùng quê và được thông báo về địa chỉ cũng gần nơi bạn của mình thì người được hỏi ấy sẽ đi theo về làm thuê. Đa số là con em của hàng xóm cũ ở cùng một làng một xã hoặc cùng vùng văn hóa với chủ rẫy (khi còn ở quê). Cùng vùng văn hóa nghĩa là ví dụ như chủ rẫy là dân Nghệ An nhưng vẫn thuê người Hà Tĩnh vì cùng vùng xứ Nghệ. Tất nhiên đó chỉ là thứ tự ưu tiên. Thực ra vẫn nhiều nhà thuê người khác vùng văn hóa.
   Dù “kêu công” (thuê nhân công, thuật ngữ người ở đây thường dùng) ở ngoài chợ hay thuê người ở trong nhà thì ngoài việc lo cơm nước, chủ rẫy phải trả tiền công theo ngày cho họ. Người làm thuê mà cúc cung tận tụy thì quá tốt rồi. Đằng này có nhiều chuyện bi hài lắm. Người ở tại nhà có mánh khóe là xem sức chủ nhà một ngày hái bao nhiêu bao rồi cứ thế làm theo chứ không thật thà gắng sức. Có thể một ngày họ hái được tám bao nhưng chủ nhà già yếu, chỉ hái được sáu bao thì nhân công cứ tà tà mà hái như chủ. Thế mới cáu chứ. Họ ở thêm một ngày là được tính thêm tiền mà. Còn người thuê công nhật được kêu ở ngoài chợ thì thế này. Có những “cặp” (hai người làm mướn hái cùng một cây) hái ải ải chứ không gắng sức, họ câu giờ là chính. Chưa đến giờ ăn cơm đã “đánh trống khươ chiêng” reo hò inh ỏi. Chiều mới khoảng ba rưỡi mà đá nháy mắt nhau chọn cây nào hái vừa đủ đến bốn giờ là chuồn. Thế nên có cặp được làm lâu dài với một chủ rẫy. Có cặp thì phải nhảy cóc hết nhà này sang nhà nọ.
   Trời đang mưa, cà trên sân sẽ như thế nào đây. Kỳ sau mình sẽ kể mánh khóe của kẻ ở nhà phơi cà (là Tây Nguyên Xanh đây) he he.
   Khuyến mãi cho các bạn thêm vài tấm ảnh cận cảnh mùa thu hái cà phê này. Tác giả ảnh là Thanh Hường. Các ảnh được lấy từ báo Dak Lak.
Mới trải lưới xong, chuẩn bị hái

Tuốt cà phê ra khỏi cành

Nhặt lá và tạp chất ra khỏi bạt lưới trước khi đổ vào bao

Bưng bao bỏ lên moóc xe công nông

Phơi cà trên sân. Kiến trúc nhà trong ảnh rất phổ biến ở nông thôn Tây Nguyên Nhà triệt, không có lầu, chân tường bị bám đầy đất vì mùa khô gió cuốn bụi vào, mùa mưa nước bắn tóe bùn lên. Nhiều nhà còn có gác lửng để thờ cúng tổ tiên như kiểu nàh ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Buôn Ama Thuột, chủ nhật 14/12/2014
Tây Nguyên Xanh
Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8 để theo dõi từ đầu nhé

0 comments:

Post a Comment