Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 23, 2014

MỘT SÁNG SƯƠNG MÙ


   Chiều hôm qua giời dông gió, trút đá với cả mưa xuống. Chẳng biết gió hôn cây kiểu gì mà Muồng gãy từa lưa. Kinh thật, Nụ hôn ngả nghiêng giời đất là đây. Báo hại anh hàng xóm sáng nay chưa kịp "đá lông nheo' với Tây đã phải lật đật ra rẫy chặt cành Muồng gãy kẻo nó đè gãy cành cà phê. Nói thật là em cà phê tương đối lẳng lơ. Thấy anh Muồng cúi xuống hôn là hưởng ứng ngay, chẳng chịu né ra tí nào cả. Đúng là khôn ba năm dại mười lăm phút mà. 
  Tây đứng uốn éo vài đường mông hông ngực, vươn thở, nở phổi giữa con đường sương giăng đầy lối. Nghe anh Thái Dương và chị Sương cãi nhau inh ỏi. Anh Dương cứ loi choi đòi ra khỏi nhà ngắm gái tập thể dục buổi sáng. Chị Sương ghen nên dạng chân tung váy chắn lối đi, Thế là choảng nhau, Bên lề đường, chị Nhện tỉnh giấc vì tiếng ồn ấy. Chị ấy tru tréo, rằng đứa nào cãi nhau gây mất trật tự thế. Chị ngoái sang nhìn xung quanh cái ổ mạng của mình, lại chua loét giọng, nói bớ mụ Sương ơi, mụ cho anh Dương ra khỏi giường để chúng tôi còn phơi phóng cái nhà với, ẩm ướt như thế này thì còn lừa được thằng ruồi con muỗi nào sập bẫy được. 

   Tây nhoẻn miệng cười vì chuyện ấy khiến cho các bà các mẹ đi uống nước chè xanh ở nhà hàng xóm nhìn theo.. Họ vẫn giữ hồn quê và quảng bá hình ảnh xứ Nghệ trên đất khách Tây Nguyên bằng ấm nước chè xanh mỗi sáng. Cứ xoay vòng, hôm nay nhà này mời thì hôm sau đến nhà khác mời. Cái hội nước chè ấy nay có cả người Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh và Thái Bình. 
   Quay gót trở về nhà. liếc mắt qua hàng rào nhà nọ, có đôi vợ chồng trẻ đang cùng nhau trộn phân kali và ure, bón đợt cuối cùng của mùa mưa 2014 cho cà phê. Nhìn cái cảnh chồng hốt, vợ quét mà muốn lấy chồng thật. he he. Sau đợt phân này thì cơ quan chức nắng chuẩn bị nhóm họp Hội Nghị Liên Tịch Về Việc Bảo Vệ Sản Phẩm Cà Phê Và Tài Sản Xã Hội Chủ Nghĩa năm 2014. Khi công bố biên bản hội nghị trước toàn dân thì mùa thu hái cà phê chính thức bắt đầu.( Cái này Tây sẽ cập nhật sau nhé. Nếu năm nay có máy ảnh thì Tây làm bộ HÀNH TRÌNH CÀ PHÊ ĐẾN LÀN MÔI NGƯỜI THƯỞNG THỨC. Nhấn F5 để liên tục cập nhật nhé he he)
   Lại kể chuyện chị Sương và anh Dương. Anh Thái Dương tát sưng mặt chị Sương. Chị ấy giận dỗi và bỏ nhà đi lúc 7h30 phút.. Anh Dương giận cá chém thớt, nạt mây mắng gió, mây theo gió bay đi hết, để lại anh Thái Dương cô đơn giữa bầu trời xanh thẳm. Anh ấy cô đơn nên trút nắng cháy vai các em xinh tươi đi hóng mát cuối tuần. Thế đấy, lúc nào anh Thái Dương cũng bị hắt hủi. Thế mà chả chịu yêu nàng Sương đi nhỉ. Hí hí Cuối tuần kể chuyện phiếm tí cho nó xôm he he

Buôn Ma Thuột, 23/8/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, August 21, 2014

MỘT THỜI NUÔI THỎ

Tác giả ảnh: Tommy Ha
  Sáng đi tập thể dục (nói cho có vẻ siêng năng tí thôi, đi ngắm trai là chính he he), ngửi thấy mùi phân thỏ. Tự dưng nhớ thời nuôi thỏ. Những năm 2001 đến năm 2003, xóm này rộ lên phong trào nuôi thỏ và trồng cây cần sa. Cái xóm cách "mặt trời" có 20 km mà dân tình vẫn dễ bị lừa là cà chua cao sản chứ không phải cần sa. Thế mới biết công tác tuyên huấn thiếu trực quan sinh động. Cứ ông ổng cấm trồng cây thuốc phiện nhưng mà có bao giờ mang tranh ảnh cây ấy đến cho dân tình xem đâu. Bọn buôn ma túy thì lại có ý nghĩ rằng nơi nào nguy hiểm nhất lại là an toàn nhất. Chúng chẳng thèm xúi dân vùng biên giới trồng nữa mà chơi luôn sân gần “mặt trời”. Thế mới đểu!
   Cho đến khi cái nhà kia chặt toàn bộ cà phê trong vườn để trồng “cà chua cao sản” thì bị một gã hàng xóm nào đó muốn hỏi mua hạt giống. Chủ nhà sợ vãi mật nên nói bâng quơ, chẳng ra cái sự chỉ dần gì cả. Gã hàng xóm kia ghen ăn tức ở, sợ người ta giàu hơn, lên báo quan rằng nhà nọ trồng loại cây lạ lắm cơ. Ô la là, cả xóm được một phen thất kinh vì tiếng còi báo động hú hét inh ỏi. Và thế là “mặt trời” đã thiêu đốt “cà chua”.
   Lại nói đến chuyện nuôi thỏ, những năm đầu thế kỷ, đất nước bước vào thiên niên sử mới. He he. Xóm này cũng thế. Người người thích hát cho nhau nghe, nhà nhà sắm giàn máy karaoke. (Nói nhỏ này, bài hát ruột của con oắt Tây Vu Khống là cái bài có câu Chứ Đi Mô Cũng Nhớ về Hà Tệnh....he he) Ngồi hát không cũng buồn mồm, phải gây chầu nhậu, có tí men vào thì hát mới hưng phấn được. Làm thịt gà đãi khách thì nghe chừng xa xỉ quá. Thế là cả xóm rủ nhau nuôi thỏ để nấu giả cầy.
   Con thỏ kén ăn lắm đấy nhé. Cà rốt cứng quá, gặm mỏi mồm, nó ứ ăn nhiều. Nó khoái ăn rau khoai lang thôi. Cả xóm gần như nhà nào cũng trồng khoai lang ở hàng rào kiếm lá cho thỏ. . Rau mà dính sương, ướt nước thì nó cũng ăn. Nhưng ăn xong là ỉa toe roe toét roét rồi vật ra chết. Mùa khô, mùa mà cỏ héo cành rụng lá, trơ gốc để chờ đợi mùa mưa đến sẽ xanh tốt trở lại, người ta phải cho thỏ ăn lá cỏ xuyến chi. Hình như cỏ này đắng nên nhìn thỏ ăn mà thương thương thế. Có một loại cỏ mà chỉ cần thấy sự xuất hiện của nó là biết mùa mưa về. Người viết không biết tên, người ta gọi là cỏ cứt lợn nhưng khi vào blog Cây Cỏ Việt Nam để tra cứu thì cỏ cứt lợn có dáng hơi khác nó. Thỏ cũng thích ăn cỏ này. Cỏ này mọc ít nên ít khi có để hái cho thỏ ăn.
   Phong trào lên đến đỉnh cao thì tự nhiên thoái trào một cách khó hiểu. Người lớn bận bịu việc công, trẻ con phải đi học ở trường và chiều đi học thêm, tối mịt mới về. Thỏ đói chỏng chơ. Thôi thì hóa kiếp cho chúng nó. Lũ trẻ con trong xóm buồn thiu vì chẳng còn những chiều í ới gọi nhau đi hái rau thỏ nữa. Mỗi đứa nhích dần đến cái sự lớn. Bỏ lại khoảng thời gian khoe thỏ nhà tao đẻ được mấy con, lông màu gì, mắt ra sao và cả những thầm thì thuở bé...
Buôn Ma Thuột, sáng 21/8/2014
Tây Nguyên Xanh
8 comments

NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH - Kỳ cuối

Tác giả ảnh: Adegsm Pte
   Em tốt nghiệp ngành Lừa Đảo (hệ tại chức) ở học viên Hóng Hớt & Mách Lẻo được mấy năm rồi nhưng khi chõ mõm xin việc ở phố Hữu Nghiệp thì chúng cứ bảo bằng đại học bây giờ nhan nhản, có tí thạc sĩ thì mới được đặc cách. Thế là làm hồ sơ để mài đũng quần trên ghế giảng đường tiếp. Nhưng...
   Đến phòng đào tạo, nộp cái hồ sơ. Cái chị tiếp viên hỏi em tên gì? Em bảo Nhũ Thị Lép. Chị ấy nhìn một lượt rồi phán rất hợp với dáng em. Huhu. Buồn thế. Chị ấy còn phán câu xanh rờn hơn ấy là nhìn em như người bị nhiễm chất độc màu da cam. Em thương em thì ít mà thương những người bị nhiễm độc bội phần. Họ khổ như thế mà còn bị ví với đứa xấu ma chê quỷ hờn như em. Chị ấy bảo trường có hai hình thức học. Học bằng năng lực tự có và học bằng “khoai”. Muốn đỡ nhọc đầu thì phải học bằng “khoai”. Muốn khỏi mỏi vai vì gánh khoai thì lo cần cù đèn sách. Nhưng chị ấy cảnh báo là sẽ bị làm khó dễ nếu không chịu gánh khoai. Một sọt 200 củ thì đủ cho em có cái bằng thạc sĩ. Em nghe mà choáng quá. Khoai là hàng hiếm ở phố Thất Nghiệp của em Tiếc khoai nên em quyết định về khai man giấy tờ cho đỡ tốn.
   Khốn nạt hết biết! Em ghét thằng nào thì kể láo hành tung của nó lên Facebook. Chúng thù em. Chúng mở lại hồ sơ của em. Kết quả, em bị phát hiện ghi sai bằng cấp. Làm cái chức chủ tịch thành phố (Thất Nghiệp) rồi mà bị phanh phui thì ui thui rùi, nhục thúi ra. Trước mắt, em bị đình chỉ công tác, trở thành thường dân của tỉnh Nhàn Cư. Chẳng làm chủ tịch nữa nên chẳng còn nhật ký NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH. Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng chủ tịch Nhũ Thị Lép trong thời gian vừa qua. Cái kỳ này là kỳ thứ 19. Con số tương đối đẹp nên Nhũ Thị Lép dừng đăng nhật ký ở đây cho hợp phong thủy. He he.
   Các bác chờ em trúng số, có tiền để nâng hết thảy cần nâng cho mẩy rồi về “dụ dỗ” thằng chủ tịch tỉnh Nhàn Cư. Nó mê em, biết đâu lại cho em ngồi cái ghế chủ tịch. Thế là lại có nhật ký những ngày làm chủ tịch he he.
   Nhàn Cư mà chẳng biết vi có thiện nổi không đây cả làng Facebook ơi. He he, chắc là chụp ảnh tự sướng rồi tung lên Facebook kiếm chồng cho qua mùa đông lạnh sắp đến. Cứ thu sang thì em lại xốn xang sợ đông về. Oải thật!
Buôn Ma Thuột, 21/8/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Wednesday, August 20, 2014

VỊ ĐẮNG

Tác giả ảnh: Chí Phèo
   Không hoài cổ như làng cà phê Trung Nguyên, không diễm lệ như Thiên Đường của hãng cà phê Mexico, quán cà phê Vị Đắng nép mình trong buôn của ama Thuột trên con đường Mai Hắc Đế. Quán hấp dẫn con bé ấy vì sự tình cờ. Hôm ấy bé đón bạn vào làm việc với ban chỉ huy mặt trận Tây Nguyên. Tiếp bạn ở cổng doanh trại, bạn không có mũ bảo hiểm. May có Vị Đắng để vào hàn huyên cho ngọt tấm lòng. Nói chuyện với lính từng tham chiến ở Tây Nguyên thích thật. Được biết Tây Nguyên ở thời khói lửa, biết tình quân dân, biết nhiều chuyện nữa.
   Hôm nay quay trở lại, cô bé chẳng biết muốn uống gì để cho người phục vụ bưng ra. Nhớ tách Trinh Nữ ở quán trà Cung Đình, ca cao đá ở Xưa Và Nay, Lipton Nóng ở Tiếng Thời Gian của Quy Nhơn quá đi trời ơi. Chẳng muốn uống gì bèn trêu anh phục vụ, bảo anh hay uống gì thì em uống thứ ấy. Anh ấy ngần ngừ rồi bưng ra ly cà phê đen. Cảm nhận sở thích ẩm thực của người khác cũng là một cái thú. Và vị đắng len lỏi trong lừng thớ lưỡi của ai trong nắng ban mai....
   Lạ thật, sống ở quê nhà mà cứ thấy nhơ nhớ cái gì đó xa xôi. Cảm giác này giống sự nhớ nhà lắm. Nhớ Quy Nhơn chăng? Ừ, nhớ lắm. Với những gì thuộc Bình Định thân thương, cô bé đầu muốn gắn cái chữ “mình” phía sau. Ví như Quy Nhơn mình, Bình Định mình...Ơ, làm khách có bốn năm chứ có quê quán ở đó đâu mà nhận vơ. “đừng nói dzẫy mà nẫu cừ !”. Mặc cho ai cười, cảm giác ấy là có thật. Bé thấy vui khi Quy Nhơn vào mùa lễ hội, thấy buồn khi báo chí ‘đánh” đại học Quy Nhơn.
   Ở ngã tư nào của phố thị chẳng có người vượt đèn đỏ. Chẳng qua có cảnh sát ở đó để bắt hay không. Ở cái trường nào chẳng có học trò muốn vượt rào vì đến trễ, chỉ là phòng bảo vệ cho công bố chuyện ấy không. Và hình như trường đại học nào chẳng có cái tật “xin điểm” theo kiểu y xì như “xin việc’ ngày nay. Chẳng qua họ kín kẽ quá nên báo chí chẳng có cớ để phanh phui đó thôi. Ôi cái trường gốc sư phạm ấy. Cái trường có bề dày lịch sử đào tạo đội ngũ giáo viên cho toàn khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên. Có một thời, nó cùng với trường trung cấp kế toán Nghĩa Bình (nay là đại học tài chính kế toán thuộc tỉnh Quảng Ngãi) làm mưa làm gió trên toàn nam miền Trung và Tây Nguyên. Hễ là sinh viên của trường ấy thì được nhận ngay và luôn. Có đứa được cựu sinh viên của trường ấy dạy các môn học ở trường phổ thông nên đã nối gót A-sin.
   Đâu đó có bài báo khiến lòng người đau đáu. Đâu đó có niềm tin hóa thành bụi đỏ. Đâu có nỗi nhớ không tên...
Buôn Ma Thuột, 20/8/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

CHUYỆN ANH THAM - 2

Người vẽ: Phạm Văn Tư
   Lại nói về anh Tham, sau khi nghe câu chửi: "cái thời đại gì mà con cháu mài xương tổ tiên lên nghiên mực để viết chữ hiền" của bố mẹ. Có vẻ như ông Thảm, bà Thương phản ứng gay gắt cái chuyện làm sinh nhật cho cụ tổ mười mấy đời của anh Tham. Anh Tham ngờ rằng bố mẹ bị mấy ông bà già ở quán nước chè ngay dưới cây đa hiếm hoi của làng “khai thông” trí óc. Anh ấy ngày đêm bày mưu tính kế giải tán cho được cái quán ấy cho bằng được. Vừa hay, thằng Mũi Lõ ở xóm bên giàu sụ, hào phóng ra mặt. Hắn bảo Tham ơi, mày “múa roi đi quyền” chặt đứt cây đa và giải tán hộ anh cái khu chợ mấy đời của làng rồi anh cho mày tiền. Nghe thấy thế, anh Tham mừng giãn cả cơ mặt. Sau khi hội ý với Mũi Lõ thì anh Tham bố cáo với thiên hạ rằng thì là:
  “Do làng đang trong buổi công nghệ hóa nên chúng ta cũng phải uống nước chè trực tuyến cho phù hợp với thời đại. Ai lại ngồi lê đôi mách ở dưới cây đa, còn ra cái thể thống gì nữa. Chặt cây đa đi để lấy đất làm cái ga Mẹ Trồ (các mẹ nhìn thấy đều trầm trồ khen ngợi). Cái chợ của làng mình họp chả biết mấy đời rồi nhưng chúng ta phải giải thể để xây một khu mua sắm mới, sầm uất hơn, sạch sẽ hơn. Ở đó không còn mùi tanh của cá, mùi ôi của thịt, mùi thối của rau, chẳng còn cãi nhau về giá. Văn minh lịch sự như bên làng anh Mũi Lõ kia kìa”.
    Anh Văn đọc tờ bố cáo, cưởi khẩy bảo phen này các bác sống bằng “cội nguồn của thi ca” thể nào cũng có bài hoài niệm về cái chợ quê, cây đa bến nước sân đình đây. Anh Giáo chép miệng than, kiểu này thì chẳng dám ra đề tập làm văn bảo em hãy tả cái chợ làng em nữa rồi. Anh Khỏe thì lo lắng cái nắng sẽ khiến anh ốm yếu, chặt cây đi rồi thì lấy oxi đâu mà thở. Anh ấy bảo làng của thằng Mũi Lõ đang hò nhau trồng cây bên ấy, vậy mà anh Tham lại đi chặt. Còn ở công sở, người ta vẫn thờ ơ làm việc với tâm niệm, kệ nó, cố ít năm làm lụng nữa rồi về dưỡng già trong cái hang hốc hoặc nông trại nào đó cho thanh nhàn. Làng sắp lên phố rồi. Mà phố thì muôn đời là phái nữ cho các đại gia thử nghiệm các bộ váy mới may. Phố cứ như con điếm, chả ai thích ở với điếm cả đời.
    Mọi người nhìn sang thấy cái dáng xộc xệch của anh Tham. Hình như anh ấy vừa mới chen lấn để mua cho được bộ ấm chén người ta bán xả hàng trước lúc trả mặt bằng. Anh ấy đang mơ về tách trà mà nước được đun bằng gỗ cây đa cổ thụ. Chắc là ngon lắm!
KHƯƠNG THỊ ƯƠNG NGẠNH

No comments

Tuesday, August 19, 2014

CHUYỆN ANH THAM

Tác giả ảnh: Tieng Ho
  Bà Thương, ông Thảm sinh được anh Tham. Ra đường, Anh Tham lừa thên hạ. Về nhà, anh ấy càu nhàu với mẹ cha. Được cái đạo mạo nên ai cũng ngỡ anh ấy là người nghiêm túc. Lừa được nhiều tiền nên anh ấy có mua được một chức quan. Anh ấy được danh cần kiệm lắm đấy nhé. Chẳng biết anh ấy làm thế nào mà hôm nọ để quên tiền trong ngắn kéo của bàn làm việc. Thằng trộm nào đó đã tiêu dùm số tiền ấy. Vợ anh Tham tiếc quá. làm um lên thế là cả làng cả xã ai cũng rõ chuyện nhà anh ấy mất bạc tỉ.
  Cái quán nước chè ở dưới gốc đa hiếm hoi của làng ngày nào cũng đông khách hẳn. Người ta cứ lời ra tiếng vào chuyện của anh Tham. Các thế lực ganh ghét anh ấy thì tổ chức buổi học tập tấm gương làm việc cần mẫn của anh Tham. Nhiều học viên quá, anh Tham luống cuống với các câu hỏi hóc búa. Tất nhiên là họ hỏi làm sao anh ấy vừa giàu lại vừa chuẩn mực trong công tác. Anh ấy bảo nhờ vào sự phù hộ của tổ tiên mà có được sự may mắn trên con đường sự nghiệp. Lại có người hỏi cách hiếu kính của anh ấy như thế nào mà được may mắn thế. Chẳng rõ có phải vì cuống quá hay sao mà anh ấy mời mọi người về dự lễ sinh nhật cụ tổ mười mấy đời nhà anh ấy. Ai cũng gật gù, bảo anh Tham trông thế mà hiếu kính thật, nhớ cả sinh nhật của cụ tổ mười mấy đời. Anh được nể tợn.
   Ông Thảm, bà Thương nghe tin này, ức quá, hét lên rằng cái thời đại gì mà con cháu mài xương tổ tiên lên nghiên mực để viết chữ hiền thế hả trời ?!
KHƯƠNG THỊ ƯƠNG NGẠNH
No comments

Monday, August 18, 2014

NHỊN ĐỂ ĐƯỢC NO

Tác giả ảnh: Lê Bá Dương
1.
 Trời đã có dấu hiệu đổi gió, trái cây rụng gần hết. Nhờ bơ, sầu riêng, thanh long... mà nhiều mẹ sáng ra chỉ chở sọt hàng đi chợ rồi nửa buổi đem thịt cá về. Mỗi buổi như thế thường bán được khoảng sáu mươi đến bảy mươi nghìn. Từng ấy cũng đủ đi chợ ở cái huyện cận Phố này rồi. Đã có gia đình thống kê mùa sầu riêng này thu về hai trăm triệu. Đó là chưa kể số sầu riêng đem đi biếu. Hỏi bác ấy trồng kiểu gì mà múi không bị sượng như nhà mình. Ngồi nghe bác ấy kể mới thấy sầu siêng không hổ danh là Nữ Hoàng trái cây nhiệt đới. Quanh năm chỉ được lấy tay nhổ cỏ chứ dùng cuốc xẩy là dễ chặt trúng rễ của Sầu Riêng. Nó hờn, trái chín bị sượng hoặc nặng nhất là ra hoa mà ứ đậu quả.
2.
Trước cửa nhà nọ có hai chị em, vừa ăn vừa cười, nói may mà có con sóc chứ không thì bọn mình chẳng có sầu riêng để ăn. Thương quá! Con nhà trồng cà phê, mùa này nhà ai cũng hết cà phê trong kho rồi nên sống nhờ vào mấy thương vụ trái cây nhỏ lẻ. Trẻ con thèm nhưng vẫn phải vâng lời "nhịn để được no". Có mấy con sóc hay đục khoét sầu riêng trên cây. Chúng chỉ khoét một múi trái thôi, phần còn lại chẳng ai mua, thế là tụi nhỏ tha hồ ăn. Mà có khi ngon hơn bình thường. Sóc khôn lắm. Trái nào ngon, không bị sượng nó mới moi. Hai đứa trẻ ăn trong sự thỏa mãn. Mặc cho hai cái quần đang đỏ lòm vì đất, hai bàn tay dính đầy cơm sầu riêng, những cái môi vẫn nhoen nhoẻn cười.
3.
Có người nói buổi chiều của Tây Nguyên chính là mùa thu xứ núi. Trong sắc thu ấy, chiều nay, có dáng cô hàng xóm đi làm cỏ về cùng với một bọc nho nhỏ sau yên xe đạp. Cà phê đấy! Cà phê chín bói rồi. Cái thứ quả gây nên cơn ghiền cho những người phố thị mỗi sáng. Cà chín bói thì người ta nhanh chóng gọi thương lái đến mua chứ chẳng phơi làm gì vì đến lúc nó khô, đem xay thì nhân không giá trị lắm.
Nghe đâu đó bên rẫy có tiếng gió lay giục những trái cà phê mau thức dậy với sắc vỏ đỏ thắm để gió được thấy nụ cười của người nông dân...
***
Chiều Buôn Ma Thuột, 18/8/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, August 17, 2014

TÂM SỰ CỦA MỘT CHỊ GIÁO ÍCH KỶ

Tác giả ảnh: Đông Phước Hồ
   Tây rất thích chơi với chị Giáo vì khoái cái tiết mục khơi chuyện để chị ấy tức và biết đâu chị ấy văng tục cho mà nghe. He he. Cảm giác nghe người làm nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý nói tục chẳng khác nào cảm giác của các nhà đạo đức học bắt gặp sư thầy đang ăn thịt chó và chém gió ở bàn nhậu. Người ta có hứng với những cảnh ấy. He he. Nói chung là góp vui cho đời đỡ nhạt ấy mà.
   Học trò tựu trường rồi. Ngày mai chị Giáo sẽ cho chúng “ăn cơm trước kẻng”. Hôm nay chán cơm thèm phở, xin tiền mẹ ứ cho. Uất quá! Chạy sang rủ chị Giáo ăn sáng ở quán bà Chín Béo. Tất nhiên là chị ấy bao rồi. Gớm, làm cô có khác. Đi ăn phở thôi mà chị ấy chỉnh tề ra phết. Chả như Tây, mặc áo ba lỗ, nổi hết cả những đường cong mềm mại. Hôm nay đông khách, chờ rất lâu mới đến lượt mình, Tây tranh thủ tò mò chuyện ngày xưa của chị Giáo. Tây hỏi khéo:
   - Chị ơi, trường chị bao giờ học.
   - Mai mày ạ.
   - Chị này, ngày xưa khi chưa xin được việc. Những ngày như này, chị có buồn nhiều không?
   - Buồn thì không buồn nhưng thấy tủi thân, mày ạ. Tao không yêu nghề nên đi dạy cũng được mà thất nghiệp cũng chẳng sao.
   - Thất nghiệp cũng chẳng sao thì mắc mớ chi mà tủi thân.
   - Đứng trước cổng, nhìn bạn bè cùng lớp sư phạm của mình hân hoan đón học trò trong khuôn viên trường. Thấy mình như bị loại khỏi cuộc chơi. Quả là thời kỳ “đêm trường Trung Cổ”, mày ạ
   - Mà không yêu nghề giáo thì chị yêu nghề gì?
   - (Cười xếch mép) Tao không có thần tượng để phấn đấu nên đời chứ nhạt thếch. Không yêu cái chó gì cả. Thích ngao du sơn thủy, khám phá những điều chưa biết. Làm quen với những tộc người lạ, vừa với hiểu họ thì ra đi. Không thích quá thân với ai, khỏi phải luyến lưu. Rồi chết ở cái nơi phải gió nào đó. Có lũ kền kền rỉa thịt rồi nó gắp xương bay lên thật cao, thả xuống mỏm đá nhọn. Xương tao vỡ ra, nó nuốt hết xương vụn. Thế là trên đời như chưa hề có con Giáo vớ vẩn này. Chứ chôn xác làm gì cho thối đất, mày nhỉ? Đã chết chẳng nên để dấu vết, nhỉ?
   - Eo, nghe sởn da gà thế. Mà tiền đâu để đi mãi như thế..
   - Cần quái gì tiền. Con người cần tiền để có cái ăn cái mắc chứ gì. Mình đói lả, các tộc người ấy sẽ cho mình cái ăn cầm hơi rồi sau đó cùng đi làm với họ. Mình lại được trả công bằng những bữa ăn. Sống lâu với họ thì hiểu họ. No cái bụng rồi thì biến.
   - Chị ích kỷ thật.
   - Ờ, tao cũng đếch hiểu một kẻ ích kỷ như tao tại sao lại làm cái nghề thường xuyên phải cho... kiến thức. Khổ cho những đứa học trò của tao thật. Cũng khổ cho ông nhà nước phải trả tiền cho tao nốt.
   - Chị cứ như người cõi trên thế thì sao mà có chồng được hả?
   - Ừ, Không lấy chồng thì bố mẹ lo, nhỉ? Mỗi người sinh ra, việc đầu tiên là họ phải lớn, rồi phải lấy chồng/vợ để bố mẹ yên lòng nhỉ?. Rồi lại phải đẻ cái đứa vuốt mắt cho mình sau này, nhỉ? Thế là cả một đời chỉ có nhõn một chữ “được” trong cụm “được sinh ra”, còn lại thì toàn chữ ‘phải” nhỉ? Kể ra sống khó hơn chết, mày nhỉ? Bỏ bố mẹ đi bụi là bất hiếu, mày nhỉ? Thế này không được, thế kia cũng không xong nên phát sinh ra cái gọi là khổ, mày nhỉ?
   Nói đến đấy, bà Chín Béo bưng tô phở ra. Hai cái mặt buồn lặng lẽ ăn và lặng lẽ về....Đi tong buổi sáng....
No comments