Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, November 21, 2014

TỈNH NHÀN CƯ – MỘT ĐIỂM ĐẾN, HAI HƯỚNG NHÌN

Tác giả ảnh: Pleskonics Ferenc
Có một vài bạn không tin có tỉnh Nhàn Cư. Thế thì hôm nay em khái quát sơ sơ về nơi em đang công tác vậy. Sau một vài chiêu trò truyền thống của giới mỹ nhân, cuối cùng em cũng được lên làm nữ chủ tịch đầu tiên của tinh ấy. Vinh dự lắm. Các anh bên báo Nhàn Cư Vi Thiện khen em hết lời. Rằng nữ chủ tịch của chúng ta vừa xinh vừa giỏi, đã thế lại hội tụ đủ công dung ngôn hạnh.... Tỉnh Nhàn Cư có hai thành phố đó là Thất Nghiệp và Hữu Nghiệp. Cơ quan hành chính của tỉnh đặt tại Hữu Nghiệp. Còn Thất Nghiệp chuyên về dịch vụ du lịch, thu hút nguồn viện trợ không hoàn lại cho tỉnh nhà. Chúng phát triển theo xu hướng đối lập nhau nên khi đến tỉnh Nhàn Cư thì người ta có ngay hai hướng nhìn:
   Thành phố Hữu Nghiệp buôn bán cực kỳ sầm uất. Đêm về tiếng nhạc lình xình ở khắp ngõ phố nơi mà những kẻ nhiều tiền lắm của hay ghé. Thành phố Hữu Nghiệp còn nổi tiếng bởi những quái nhân phát ngôn bừa bãi kiểu như là không xin được việc thì có thể giúp mẹ gánh rau đi bán, kiếm vài ba đồng hằng ngày nên tỉ lệ thất nghiệp chỉ có giảm. Hay là cán bộ vẫn thường dùng mắt miệng mũi để giám định chất lượng thực phẩm....
   Tổn tại song song với nó là thành phố Thất Nghiệp. Nơi đây đất chật người đông.  Nổi cộm nhất là sau quý II hằng năm, sinh viên từ các trường đại học cao đẳng đồ về đây nhiều đến chóng mặt. Những năm gần đây, thành phố trở thành địa điểm tham quan lý tưởng cho nhiều du khách. Họ đến khám phá cảnh người thất nghiệp sống như thế nào. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đến ký âm khóc vì tủi hờn và ghi lại những lời than khi dân nơi đây đi xin việc. Nhiều nhiếp ảnh gia đến để chụp hình ảnh những giọt nước mắt lăn dài trên má của cư dân thất nghiệp. Và đã có rất nhiều những chuyến đi thực tế sáng tác của các văn nghệ sĩ về đề tài nạn thất nghiệp trong xã hội hiện đại.
   Tại sao làm chủ tịch một tỉnh lắm công nhiều viêc phải giải quyết như thế mà em vẫn có thời gian chơi Facebook, đã thế lại không dám trưng tên thật của mình lên? Là bởi vì hôm nọ em đồng ý bán đất thành phố Thất Nghiệp cho một doanh nghiệp tỉnh khác đến đầu tư du lịch trong vòng 50 năm. Họ xin làm các tuyến cáp treo chạy trên đầu để cho khách thấy toàn cảnh sống nheo nhóc, tạm bợ của thành phố. Du khách mà thấy được nỗi khổ toàn diện như vậy thì sẽ không ngần ngại đổ tiền bạc bố thí cho dân thất nghiệp. Như thế thì thu nhập của tỉnh sẽ tăng lên. Em nghe như thế cũng bùi tai. Đương nhiên là một chữ của em đáng giá vài tỉ bạc. Nhưng nhờ cải trang khi chơi Facebook mà em biết dân chúng chửi em khiếp quá. Kẻ giận bộc phát thì chửi em là con bán nước. Kẻ thích nói rông dài thì phân tích rõ nguy cơ của cuộc chiến chiếm đất đai bằng các thủ đoạn kinh tế. Rồi nếu làm cáp treo thì sẽ mất đi vẻ nguyên sơ của phố Thất Nghiệp. Em mà hở cái tên và ảnh thật lên là cư dân mạng báo cáo vi phạm trang Facebook của em ngay. Họ ghét em lắm luôn ấy.
   Lý do dùng mật danh để hóng chuyện chỉ là phụ. Lý do chính vẫn là tên em rất xấu. Cũng xin trải lòng rằng tên thật của em là Nhũ Thị Lép. Ngày xưa các cụ vẫn hay đặt tên con thật xấu cho dễ nuôi. Em không nằm ngoài quy luật ấy. Thế nhưng khi nghe đến tên em, anh nào cũng tò mò cái sự lép mẩy. Ngại quá, em tự ý sửa tên thành Hứa  Xẻo Lá cho hợp với tầm vóc chốn quan trường. Em cắn cơm cắn cỏ, em lạy những ai đọc bài viết này. Xin đừng công khai vụ em sửa tên kẻo em bị các anh bên tờ Nhàn Cư Vi Thiện cho em ngồi lên báo ngay. Bình thường em đã nổi tiếng, á nhầm, tai tiếng lắm rồi.
   Thế đã nhé. Lâu lâu trả lòng một tí tị tì ti cho bạn bè tin cái tưởng. He he. Làm quan nhọc lắm các bạn ạ.
***
Tỉnh Nhàn Cư, ngày 21 tháng 11 năm 2014
Chủ tịch Hứa Xẻo Lá đã ký và đóng dấu.
No comments

Wednesday, November 19, 2014

BA NGƯỜI THẦY DẠY NGOẠI NGỮ CỦA TÔI

   Cũng như bao bà mẹ có con chuẩn bị học lớp 6 khác, năm ấy mẹ tìm cho tôi một người thầy dạy thêm tiếng Anh. Hồi đó, tôi thích lông bông đuổi ong bắt bướm hơn là đi học nên cực ghét học thêm. Tôi quậy tanh bành cái lớp ấy. Không gây gỗ đánh nhau nhưng tôi phá thầy để mong thầy ghét mà đuổi tôi. Tôi vẽ bậy vào sách của thầy, tôi viết tên tôi lên cái cuốn từ điển của thầy. Thế mà thầy vẫn nhẫn nại dạy tôi. Cuộc đời tôi chưa gặp người thầy nào đúng nghĩa nhường nhịn học trò mất dạy (là tôi đây) như thế. Thầy không mắng tôi lấy một lần cũng không bỏ mặc tôi. Thầy kiên nhẫn cho tôi từng con chữ. Sau này tôi mới biết đời thầy còn phải nhịn những chuyện kinh hoàng hơn. Tôi coi thầy như cha.
   Thầy là người Hà Đông (Hà Nội), do biến cố lịch sử nên cả gia đình thầy lưu lạc vào Đà Nẵng sinh sống. Trước năm 1975 thầy là giáo viên dạy Anh Văn tại trường THPT Phan Chu Trinh thành phố Đà Nẵng. Thầy được đào tạo bởi một ông giáo dạy tiếng Anh cực kỳ khủng khiếp. Người ấy ghé sát tai mình bên miệng thầy để nghe cho được cái lưỡi của thầy chuyển động khi phát âm. Âm cần bật hơi mà không có hơi thổi phù vào tai của ông giáo ấy thì cái thước “hạ đặt” xuống đỉnh đầu của thầy ngay. Sau giải phóng, cách mạng xóa sạch tiếng Anh ra khỏi miền Nam và thay vào đó là tiếng Nga. Các thầy cô giáo miền Bắc vào tiếp quản các điểm trường và họ thẳng tay đuổi việc một nạn nhân của chiến tranh như thầy tôi (và những ai dạy tiếng Anh). Vài năm sau họ có mời thầy tôi trở lại làm giáo viên nhưng phải dạy môn Giáo Dục Công Dân. Không đúng môn nên thầy chẳng trở lại.
   Bạn bè của thầy hoặc là vượt biên hoặc đi theo diện bảo lãnh để mấy mươi năm sau được nâng niu với cụm từ “Việt Kiều yêu nước” còn hơn là phải sống với những con người chưa có kinh nghiệm hàn gắn vết thương sau chiến tranh. Với thầy tôi thì khác, đại gia đình của thầy lại phải bán xới vào Dak Lak làm rẫy để sống. Cuộc đời của thầy ngỡ đã đoạn đành với nghiệp giáo. Ai dè, sau biến cố thể chế chính trị ở Đông Âu, Việt Nam tiến hành đổi mới toàn diện, gây sóng gió cho những thầy cô dạy ngoại ngữ thêm một lần nữa. Những thầy cô dạy Nga Văn lại phải học cấp tốc Anh Văn để về giữ cái “cần câu cơm”. Dẫn đến chất lượng giáo viên tiếng Anh những năm cuối thế kỷ XX không đồng đều. Thừa lúc đó, thầy mở lớp dạy thêm Anh Văn ở vùng phụ cận thành phố Buôn Ma Thuột. Thầy tự nghiên cứu sách giáo khoa từ lớp 6 đến lớp 12 rồi soạn giáo án. Thầy dạy dễ hiểu nên tiếng lành đồn xa. Nhờ vậy mà năm hè 2001 tôi được học thầy cho đến hè năm 2008. Có khi sỉ số lớp chỉ còn năm đứa vì thầy cô trên trường dở chiêu trò lôi kéo học trò học thêm ở nhà họ mà thầy vẫn không giải tán lớp tôi. Cái lớp siêu quậy của tôi làm khổ thầy nhiều, làm thầy bị cấn lịch sắp xếp các lớp khác. Học phí thì thầy lấy thấp lắm. Bố mẹ chúng tôi đa số là cho con học nợ đến hết mùa cà phê mới trả tiền cho thầy. Tôi biết ơn thầy lắm. Tiếc rằng tôi học dốt môn Văn nên không thi đại học ngoại ngữ cho thầy vui. Đời thầy vẫn chưa có học trò thi đại học ngoại ngữ. Hình như thầy hơi tủi...
   Vào đại học, tôi cũng như bao cô gái khác, nghĩ rằng thi cái chứng chỉ tiếng Anh trình độ B nữa là xong nhiệm vụ. Nhưng năm cuối khóa, trong một lần đi gặp mặt bạn bè Yahoo Blog tại Quy Nhơn, tôi gặp thằng em học Xây Dựng khóa sau, nó kể về một người thầy dạy tiếng Anh giao tiếp thú vị lắm. Học phí thì chỉ có một trăm nghìn đồng một tháng thôi. Nghe hấp dẫn quá. Thế là tôi khăn gói đi học người thầy mà sau này tôi ngẫm lại thấy mãn nguyện.
   Đó là một người không được đào tạo nghề giáo. Thầy làm ngành liên quan đến kinh tế nhưng do mến nghề sư phạm và thấy được sư kém cỏi về kỹ năng Nghe-Nói tiếng Anh của sinh viên đại học Quy Nhơn nên thầy mở lớp truyền đạt kinh nghiệm. Phòng học có cái tivi màn hình lớn, một cái máy có khả năng phát ra hình ảnh cường độ âm và biểu đồ giao động của giọng nói trong hội thoại. Tôi không biết tên thầy và tin là thầy cũng chẳng biết tên đứa học viên nào hết. Ai đóng học phí thì đóng, thầy chẳng quan tâm lắm. Không thấy nhắc bao giờ. Tôi khiếp cái nết la mắng khi dạy của thầy lắm. Một người không thuộc bài cũ thôi là thầy mắng với giọng điệu đúng nghĩa của từ la ở miền Nam. Thầy dạy tiếng Anh ở quê của tôi hiền bao nhiêu thì thầy này dữ bấy nhiêu. Thú vị thật. Tôi cứ như đã được gặp hai vị hộ pháp ở cõi tiên. Một người hiền và một người quá ư là dữ.
Tôi mãn nguyện khi học thầy vì tôi vẫn ước được học một người mà họ không biết tôi là ai và tôi cũng không biết họ là ai. Thầy trò gặp nhau chỉ vì con chữ. Vẫn biết là không nên vô tình nhưng tôi vẫn muốn được gặp đầy đủ những hiện thân của nghề giáo.
Tác giả ảnh: Phạm Thị Ái Nghĩa
   Với thầy dạy chữ Hán thì khác. Thầy là tổng hòa của nóng và lạnh. Có lần tôi nói leo “Việt Nam giống Trung Quốc thầy nhỉ” khi thầy giảng về sự tương đồng văn hóa của hai nước. Thầy nhăn mặt, chỉ nói một câu mà khiến tôi sợ và nể đó là “biết ai giống ai”. Ở thầy luôn có một vầng hào quang vô hình khiến tôi hân hoan chào đón nhưng rụt rè khi tiếp túc. Thầy hơn tôi chín tuổi mà kiến thức của thầy thì như một gã hơn tôi chín mươi tuổi. Thầy học Hán tự từ năm lên chín lên mười. Sư phụ của thầy là người mà được sinh viên, giảng viên cả trường đại học Quy Nhơn (và có thể nhiều trường khác ở Việt Nam) kính trọng. Tiếng Hán đến với tôi như một duyên nợ mà cho đến giờ tôi không giải thích được vì sao tôi học nó. Tôi mang ơn thầy vì thầy cho không tôi chữ. Thật đấy, có ai như tôi không. Hai năm học ở nhà thầy mà tôi...chỉ đóng học phí tháng đầu tiên. Các tháng sau tôi tiêu pha tiền bạc không kiểm soát nên thiếu tiền học phí hoài. Tôi cứ liều đi học, bụng bảo dạ chừng nào thầy nhắc học phí thì nghỉ. Có một lần thầy nhắc thật. Là vì người của trung tâm yêu cầu thầy báo cáo quân số và học phí nên mới phải nhắc thôi. Tôi ngại quá nên nghỉ học. Hình như thầy biết lý do nghỉ nên nhắn tin nói thầy có bắt nhốt, đòi học phí đâu mà lo. Cứ đi học bình thường đi. Tôi biết ơn thầy lắm. Tôi học cho đến ngày mãn khóa về quê. “Anh giáo’ của tôi đã cho chữ lại còn cho tôi sách trước khi giải tán lớp. Lúc gõ những dòng này, tự dưng nhớ cái tin nhắn xin thầy học rằng“ thầy ơi, em là Tây Nguyên Xanh, học ở lớp Lừa Đảo khóa nọ, em gần hết tiền điện thoại rồi nên chỉ có thể nhắn tin xin thầy học tiếng Trung. Thầy có lớp mới thì cho em học với nhé”. Báo hại thầy phải gọi lại cho kẻ xin học. He he. Sao lai có cái đứa học trò như tôi thế nhỉ?!
   Mọi lời chúc trong mùa Hiến Chương này đều khiến học trò thấy sáo rỗng. Học trò mong các thầy mãi khỏe để học trò còn có nơi để về, để nhớ và để được bao dung!
Buôn Ama Thuột, 19/11/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Monday, November 17, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 7: NGỦ LÔ

   Khoảng trước năm 1993 đất ở xứ này còn trống mênh mông. Cái nông trường này mới lập từ năm 1976, lấy đồn bốt cũ của Mỹ làm trụ sở công ty. Sau thời kỳ đổi mới, đất được phân theo lô rồi giao cho công nhân canh tác. Công dân phải trả tiền mua 49% diện tích lô đất ấy rồi hằng năm phải nộp 51% tổng sản lượng cho công ty. Mỗi năm công ty cấp lượng phân bón cho 51% của họ thôi. Đến khi rầm rộ chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì vài năm sau đó mới thực sự khoán tất cả cho công nhân. Sản lượng được quy theo công thức mới. Chẳng biết công thức tính thế nào nhưng trước khi giao khoán, 1 hecta phải nộp 6 tấn 8 tạ 22 kg quả tươi cho công ty. Cũng từng ấy diện tích nhưng sau khi khoán chỉ nộp gần 4 tấn quả tươi. Tuổi cây cà phê được 20 năm thì công ty hạ sản lượng hải nhập lần thứ nhất. Sau đó cứ cách 2 năm lại hạ thêm một lần cho đến khi nhổ cây đi bán lấy gỗ thì thôi. Lúc ấy chủ lô cũng sắp sửa làm thủ tục về hưu rồi.
Tác giả ảnh: Ngọc Tâm
   Dù anh có bị hái trộm bao nhiêu đi nữa thì sản lượng nộp cho công ty phải đủ. Không có thì nộp tiền thay thế cà phê. Vậy nên xuyên suốt mùa cà phê là nỗi sợ hãi bị trộm cà. Nhà ai cũng phải làm một cái lán (lều) nho nhỏ ở rẫy để tối ra đó ngủ và canh trộm. Thế sao lại gọi là “ngủ lô”? Như trên đã nói đấy, đất được phân theo lô nên sau này người ta dùng “lô” để thay thế cho từ “rẫy” trong mọi thuật ngữ tiếng phổ thông hay dùng. Ngủ lô nghĩa là ngủ ở ngoài lô hay chính là ngủ ở ngoài rẫy. Ở cùng này, người ta nói đi làm lô, ra lô, cái lô ấy....chứ hiếm dùng từ rẫy.
   Lúc gõ bài viết này, tôi đang bị ám ảnh bởi hình ảnh người phụ nữ cứ chập tối dắt theo hai con chó ra rẫy và đến sáng lại dắt chúng về. Vì nhiều lý do nên cô ấy phải đơn thân ở vậy làm cà phê nuôi các con. Hình ảnh người đàn bà phải ngủ ở rẫy gieo cảm giác cảm thương thống thiết cho bất kỳ ai ở xứ này. Bởi người ta hình dung những kẻ bất chấp tất cả để đi trộm cắp cà phê. Trong cơn hoảng loạn vì bị phát hiện, chúng đánh người phụ nữ luống tuổi yếu ớt kia thì ai biết? Đó là chưa kể, dù đã trồng cà phê rồi nhưng xứ này vẫn là nơi rừng thiêng nước độc. Giữa cánh rừng cà phê ấy, chuyện chết vì trúng gió do không kịp được sơ cứu đã có xảy ra
   Thành thử, thường thì hai người đàn ông chủ lô gần nhau sẽ làm chung một cái lán. Tối về hẹn nhau ra canh và ngủ chung. Người này xảy ra chuyện thì người kia lo. Với người phụ nữ kia thì bà vợ nào dám cho chồng canh chung lán?! Cám cảnh thay, cô ấy phải nằm chung với...chó.
   Ngày nay, công ty có thành lập đội ngũ cán bộ chuyên trách canh phê trong hai tháng mùa cà phê. Buổi tối vẫn có người dạo hết cả một khu vực nhưng nói thực là canh thì có canh nhưng mất vẫn có mất. Thứ nhất là do các ông chuyên trách hay hội hè trong lán. Chén chú chén anh ngay giữa đại ngàn thì chỉ còn thiếu ả đào với thơ nữa là thành chốn bồng lai tiên cảnh. Say khướt nên giảm lượt đi tuần. Thứ hai nữa là trộm nay biến hóa khôn lường lắm. Nhìn mặt hiền hiền, buổi chiều bắt chuyện rất êm nhưng đến tối nó là thằng đầu sỏ của băng nhóm trộm cũng nên. Trộm nắm như lòng bàn tay lịch gác của các chú cảnh vệ. Thế mới tài!
   Mệt lắm các “con nghiện” cà phê ạ. Làm ra hạt cà đã khổ rồi mà bảo vệ nó còn khổ hơn. Chưa kể đau đầu vì giá cả thị trường bấp bênh nữa.
Buôn Ama Thuột, 17/11/2014
Tây Nguyên Xanh
-------
Chú thích: Ảnh ở trên là rẫy cà phê đang mùa đơm hoa kết trái. Khoảng tháng 3 hằng năm, các bạn sẽ được thấy cảnh này ở khắp Tây Nguyên. Hoa cà phê trắng như tuyết vậy
Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6 để theo dõi từ đầu nhé
2 comments