Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, December 12, 2014

HẮN CÓ CÀ LÀ NHỜ “BỘ ẤM CHÉN”

Tác giả ảnh: Một
   Sáng nay trời mưa phùn và giờ thì sửng hơn tí rồi. Không nắng nhưng vẫn phải đảo cà cho nó khỏi nóng, mốc và đen nhân. Phơi gió được chừng nào hay chừng ấy. Cà tràn sân và lớp cà có độ sâu quá mắt cá chân nên cày hơi mệt. Đang ngực tấn công, mông phòng thủ (cái tư thế phổ biến khi xát chân trên lớp cà phê dày) thì có mẹ của con bạn cùng xóm đi ngang qua nói ra quét ngoài đường đi kìa, cà lăn bây bả ra đường rồi. Sáng nay bố mẹ đi rẫy, lội giày lên sân nên cà dính chân ra đường đó mà. Nhìn thấy cô kia là mình hay tủm tỉm cười vì nhớ chuyện hốt cà trôi ngoài đường. Cười quên cả mệt. Năm ngoái kể rồi, năm nay treo lại cho nó vui. Chuyện là...
   Có một ngày nọ, cũng tầm khoảng thời gian này hằng năm, vì ảnh hưởng bão nên trời mưa to đến độ mờ nhân ảnh đằng xa luôn. To quá nên cà cứ thế “phê” theo dòng nước cuốn ra khỏi sân. Cô hàng xóm ấy và lão già nhà bên cạnh chạy ra đường cào cà phê vào sân. Nước chảy từ hai sân nhập về một dòng ngay giữa đường khiến cho hai người phải giành nhau. Lão ấy “tuổi cao sức yếu” lại có tí tham nên sợ thua thiệt, chẳng biết làm sao có thể giành được hết cà trong dòng nước lớn. Trong lúc cấp bách, lão quyết định chơi hạ sách “nồng nỗng khoe rồng”. Cô kia thấy “bộ ấm chén” của lão được phô ra, ngại quá nên chạy ù té vào nhà. Cuối cùng lão ấy có thêm cà là nhớ kế ấy.  Cô kia kể sinh động hơn nhiều. He he. Lão ấy đúng là gừng càng già càng cay.
   Cuối tuần, biên như thế đã nhé các bạn blog. Mấy nay mình hơi mệt và bận nên ít đăng bài hơn, Phấn đấu mọt ngày một bài nhưng mà nghe chừng phải cách quãng ra. Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ, nạp đầy năng lượng cho tuần tiếp theo!
Buôn Ama Thuột, 12/12/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Monday, December 8, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 8. NHẬP CÀ

   Hôm nay, 8/12/2014, là ngày khởi đầu cho đợt nhập cuối cùng trên toàn công ty. Sau hôm nay, những ai đã nộp đủ số lượng định mức hằng năm thì được quyền tận thu (hái sạch cà có trên cây). Từ đây, công nhân trồng cà phê được “thở” theo ý mình. Nếu nói quá lên thì những ngày trước đây không ai dám thở mạnh vì sợ hơi thở tạo thành gió làm trái cà còn xanh rụng xuống lưới khi hái. Hái đem về nhà phơi thì không được quá 12% quả vàng và 5% quả xanh. Hái nhập thì phải 100% chín đỏ. Ai bị phát hiện đang tận thu thì chịu phạt nặng lắm. Khoảng 10 ngày nữa là kết thúc mùa cà phê. Đáng lẽ xong lâu rồi nhưng công ty cứ kéo rề...
Lý do kéo thời gian thứ nhất là vì công ty cần phải điều tiết luồng cà nhập về để không quá tải sân phơi, lò sấy và nhân công xử lý sản phẩm thô. Thường là họ xay cà quả ra hai hạt nhân còn vỏ lụa, còn phần lớp vỏ ngoài cùng theo nước chảy theo mương thủy lợi về các hồ chứa. Sau này dân hay đi vớt lên làm phân vi sinh. Hạt còn vỏ lụa được phơi hoặc sấy khô rồi đem lên máy xay ra hạt cà phê nhân thô. Sau đó thì nghiễm nhiên là công ty đem đi xuất khẩu hoặc rang xay rồi tán thành bột đem bán ra thị trường. Họ chia sản lượng ra 3 đợt nhập. Nếu thời tiết xấu thì mỗi đợt có thể bị chia thành hai đợt nhỏ. Mỗi đợt nhỏ nhập một nửa của đợt lớn. Nếu nhập quá 10% sản lượng cho phép trong mỗi đợt thì bị chuyển sang hình thức Bán-Gửi. Nghĩa là lượng cà thừa sẽ được xem là công nhân gửi cà và bán cho công ty. Chẳng ai muốn bán cho công ty cả. Thật!
   Lý do thứ nữa là vì đòi nợ. Trong một năm, người trồng cà phê bón tổng cộng 6 đợt phân vô cơ. Một đợt đổ phân hữu cơ bắt buộc nữa. Tổng lượng phân vô cơ tính đeo đơn vị tấn đấy nhé. Không phải ai cũng có sẵn tiền để mua phân về đầu tư nên đa số họ chọn cách mua nợ rồi đến mùa thu hái trả bằng hình thức nhập cà quả tươi. Tất nhiên là công nhân phải chịu lãi theo một công thức nào đó và cái thiệt thòi phải tính đến đó là tốn tiền thuê nhân công hái nhập. Năng suất hái nhập thì giỏi lắm một cặp hái được 6 bao trong một ngày. Hái nhập là phải hái chọn và lượm tạp chất lâu nên ngốn công lắm. Giá nhân công là 170000đ/người/ngày (tính theo thời điểm đăng bài viết này)
Vì hai lý do đó mà công ty cứ kéo dài thời gian ra và cấm tận thu cà xanh để lấy cho được nợ bằng chất lượng cà cao nhất. Còn cảnh nhập cà thì các bạn hình dung thế này: Vào buổi chập tối, những cái xe công nông nối đuôi nhau nhích lên từng chút để chờ đến lượt nhập. Vào đến nơi thì trình phiếu có mã số công nhân cho kiểm soát viên trước sự chứng kiến của đội trưởng đội sản xuất. Ban đầu cả xe và người lái di chuyển lên bàn cân. Sau đó đổ hết lượng cà vào bể chứa rồi lại cả người lái và xe cùng với bao lại lên bàn cân lần nữa. Lấy số lớn trừ số bé và trừ phần trăm tạp chất (có thể là nước vì trời mưa) thì ra lượng cà đã nhập.
   Mấy năm gần đây, công ty chuyển hẳn sang hình thức khoán sản phẩm trọn gói và phân đoạn nhận sản phẩm tổ chức tốt nên gần như không có tình trạng đi nhập cà phê đến tận 8h đêm mới về. Trước đây, các quán cháo lòng ngay trước mặt công ty có khách nhiều vì lái xe nhập xong cà, đói run tay nên vào ăn một tô cháo có khi cùng với phụ tá nhấm nháp tí rượu trong cái lạnh của mùa khô Tây Nguyên rồi mới về. Nhiều chuyện nhiêu khê phát sinh do chuyện ăn lỡ cỡ này lắm. Gì chứ thấy chồng vê sớm, không say xỉn là các bà vợ mừng cái đã.
   Hôm nay, bố mẹ mình chỉ phải hái khoảng 3 cây nữa là ra cà chín để nhập. Phải nhập 7 tạ nhưng hôm qua hái được khoảng 6,5 tạ rồi. Ngày mai phải hái nhanh hơn để kết thúc trước khi dân mót cà phê tràn sang rẫy bên cạnh. Mất cắp thì không ai kiểm soát được. Lo!
Buôn Ama Thuột, 8/12/2014
Tây Nguyên Xanh
Ảnh được sưu tầm trên mạng.
Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6Phần 7 để theo dõi từ đầu nhé
2 comments

Sunday, December 7, 2014

HÓT HAY THÌ KHÔNG ĐƯỢC BAY

Tác giả ảnh: Bùi Trọng Hiếu
  Trời mới hửng sáng đã nghe inh ỏi tiếng chí chóe của mẹ con nhà chị chim Sẻ. Âm thanh cứ như chan chát bên tai khiến cho anh Chích Chòe ở trong lồng được treo dưới mái hiên phải tỉnh giấc. Anh ấy ngứa cổ, hót líu lo cho bọn Sẻ kia biết thế nào là một giọng hót hay. Đáng buồn thay, mẹ con chị Sẻ càng chí chóe rộn ràng hơn. Chích Chòe cáu tiết, hét toáng lên:
   - Này, cái nhà chị Sẻ kia. Sáng sớm làm gì mà ỏm tỏi ra thế hả?
   - Chúng tôi cũng có cổ có mỏ chẳng lẽ không được hót?
   - Cái âm thanh chí chóe ấy cũng được coi là hót à?
   - Ối ồi ôi, anh tự hào cái giọng hót lánh lót của anh mà làm gì. Những kẻ hót hay đều không được bay. Toàn bị loài người săn về nhốt trong lồng để khoe thú chơi tao nhã thôi.
  Chích Chòe chợt chạnh lòng, đứng trầm ngâm nhìn về hướng xa xăm. Anh ấy tự hỏi không biết ngoài kia có gì hay ho nhỉ. Rồi bỗng anh ấy hỏi chị Sẻ:
   - Này chị Sẻ ơi, không biết bao giờ loài chim của chúng ta không còn bị săn bắt về làm thịt hoặc nhốt lồng nhỉ?
   - À há! Chừng nào bị động đất, sập nhà. Đến cơm chẳng có để ăn thì loài người sẽ không còn sức để bắt chúng ta nữa.
   - Thế thì có mà tôi chờ lồng mọt mới được ra.
   - Đời không ai biết được chữ ngờ đâu anh Chòe à. Loài người lười nhác, không chịu tìm hiểu tiếng hót và tập tính sinh hoạt của chúng ta. Khi đất không lành, chúng ta sẽ không đậu. Họ bắt nhốt và giết thịt hết chúng ta thì cũng có nghĩa là làm mất đi nguồn tin dự báo thiên tai của chính họ. Biết đâu nay mai có biến thì sao.
   - Tôi tin vẫn có người biết về chuyện này
   - Số ấy không nhiều. Mà này, chính người nuôi nhốt chim lại hay buông lời thơ thẩn thương tiếc cảnh ngộ tù túng của những kẻ như anh, Chòe ạ.
   - Thế mới buồn cười!
  Và rồi cái không gian ấy lại rộn vang tiếng hót...
Buôn Ama Thuột, 7/12/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments