Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, June 29, 2013

QUÁN BÚN LÊ LAI

Nguồn ảnh: internet
Đấy là quán bún lúp xúp, lọt thỏm bên đường Lê Lai. Bọn sinh viên đại học Quy Nhơn chúng tôi thường quen gọi là quán bún Lê Lai. Hình như nó có bảng hiệu nhưng chúng tôi chẳng để ý bao giờ. Cứ bước ngần ấy bước chân, rẻ ngần ấy lối rồi nhìn thấy bảng hiệu nhà khách T102, đối diện nhà khách chính là quán đó. Mà con đường Lê Lai ngắn lắm, chỉ khoảng bốn mươi hai bước chân của người con gái đang thẩn thờ nhớ người yêu là đi hết đường
Quán do một đôi vợ chồng xấp xỉ năm mươi lăm tuổi làm chủ. Nhìn họ rất hạnh phúc. Cứ khách gọi cô ơi cho con một tô bún hoặc tô phở. Thì người vợ lúi húi chuẩn bị đồ ăn còn người chồng lấy rau và bưng tô bún ta cho khách. Lắm hôm tôi nghe tiếng ông chồng gắt gỏng, người vợ nói lùm xùm nhưng rồi đâu lại vào đấy. Có lẽ do đông khách quá, nhiều việc quá nên dễ nổi nóng. Quy mô quán nhỏ nhưng lượng khách thì lớn. Nhiều hôm giỏi lắm tôi mới có được chỗ ngồi và lại nhẫn nại lắm mới chờ được tô bún mà ăn.
Vào quán ấy tôi thường ăn bún riêu, vì đơn giản nó rẻ. Có bảy nghìn đồng một tô. Hôm nào mới nhận tiền bố mẹ gửi hoặc là dịp Quốc Lễ thì tôi ăn sang hơn. Gọi luôn một tô phở bò mười lăm nghìn. Sáng mai lên xe về quê ăn tết hoặc nghỉ hè thì tối hôm nay tôi thường hay ăn tô bún đắt nhất quán rồi chúc sức khỏe cô chú mới ra về. Có lần tôi thèm ăn tô phở bò nhưng tiền chỉ đủ ăn bún riêu vì để dành ngày mai đi xe nên vào quán nói với cô chủ rằng: “cô ơi, tình hình rất là tình hình, ngày mai con về quê, tiền nói tròn túi mất tiêu rồi. Nhưng mà cái mỏ lại thèm ăn phở bò. Hihi”. Thế là tối đó tôi vẫn được ăn phở bò rất nhiều thịt nhưng cô chỉ lấy tiền của một tô bún riêu. Nói chung là tôi được cô chú chủ quán cưng lắm.
Được cưng có lẽ vì mỗi lần đến quán là trêu ghẹo cô chú. Lúc nào cũng đòi ăn rau gấp đôi người ta vậy mà cô vẫn cho tôi thêm một miếng huyết bò so với người khác. Ăn hết thì tự dọn bát đĩa ra chậu và cô hôm thì hét toáng lên “hôm nay con ăn quỵt, mai con ăn tiếp rồi trả nốt”. Những hôm như thế thường là lúc tôi mới rút tiền, Ăn có một tô bún mà bắt người ta thối tờ một trăm nghìn. Cứ thấy tội tội nên thôi hôm nay ăn tiếp rồi trả. Cô chú cũng chỉ cười và mắng yêu “ghét ghê dzậy á”
Hỏi ra mới biết, chú chủ quán là người gốc Nghệ An. Nhưng vì lý do nào đó mà gia đình di cư vào Nam và lập nghiệp tại đất hứa Quy Nhơn này. Lớn lên chú gặp cô và lấy nhau. Hồi người ta chưa làm công viên Thiếu Nhi, cô chú buổi sáng bán bánh mì ở phía bên kia con đường An Dương Vương cho sinh viên. Nhưng vì công viên án ngữ ngay vị trí đó nên không còn buôn bán được. Từ đó có quán bún Lê Lai như bây giờ. Gia đình cô chú tôn thờ đức Mẹ và đức Chúa. Có lẽ họ là một trong những con người sống tốt đời đẹp đạo mà tôi đã từng tiếp xúc.
Bốn năm sống ở Quy Nhơn, tôi thấy người Quy Nhơn rất dễ gần, Chỉ cần chịu khó ngồi hóng hớt những câu chuyện của họ, rồi hiểu họ thì xin gì họ cũng cho và nhờ gì họ cũng làm. Còn nhiều những người bán hàng như cô chú chủ quán bún Lê Lai mà tôi quen nữa. Nhưng một hai lời không kể hết được. Từ từ rồi tôi sẽ kể, kể cho hết để bớt nhớ Quy Nhơn.
*******************

Buôn Ma Thuột-28/6/2013-Tây Nguyên Xanh
4 comments

Friday, June 28, 2013

CHỢ TÌNH

Hẹn hò-Nguồn: internet
CHỢ TÌNH

Một năm lại đến chợ tình
Anh tìm tới đó chúng mình gặp nhau
Rượu tình vài chén say lâu
Con mắt lúng liếng , mái đầu buông lơi .

Dăm ba đôi , một góc ngồi
Hai hàng cây đứng bồi hồi ngắm nhau
Cầm bàn tay nắm thật lâu
Đôi môi run rẩy nói câu mặn nồng .

Ừ , thì em đã có chồng
Cái má đã bớt đỏ hồng rồi anh
Chúng ta duyên chẳng được lành
Tiếc chi câu hát lúc xanh mái đầu .

Thôi về tan chợ đã lâu
Mình đành gói kín tình đầu chưa phai
Thương làn tóc xoã bờ vai
Anh về em nhé hẹn vài phiên sau .

Dùng dằng bốn mắt nhìn nhau
Loang dòng lệ ướt quặn đau câu thề .

HN - 26-6-13 - Hương Dương Thu 
7 comments

Thursday, June 27, 2013

SINH NHẬT VÀ CÂU CHUYỆN NHỮNG ƯỚC MƠ

Ảnh: David Trong

Hôm nay sinh nhật mình, ngồi nghĩ mông lung nên gõ lạch cạch cho bớt suy tư. Sáng sớm ăn cơm trắng với tương Nam Đàn như mọi ngày. Sinh nhật người ta hay nghĩ đến nhữn điều ước nhỉ. Ừ thì ước. Hé hé, Mình ước vô số thứ từ bé đến giờ.
Thuở bé tí hỉn thì cóc biết ước to tát gì sất. Hình như chỉ ước được Má ở nhà chơi với mình. Bình thường Ba Má đi làm suốt. Ngủ dậy lúc nào cũng ở trong trạng thái bị nhốt trong nhà. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Họ sợ hai chị em mình bị bắt cóc. Hu hu. Không thấy Ba Má ở nhà thì khóc thôi. Khóc xối xả nhưng cơn mưa Tây Nguyên, Gớm chửa? Khóc chán thì ngủ tiếp.
To to hơn tí nữa, hồi học cấp một ấy. Mình cũng ước bị ốm để trốn học he he. Nhưng nghỉ học thì nhớ thằng ngồi cùng bàn quá cơ. Thế là lại lọ mọ đến lớp để ngồi cạnh nó. Nhưng ghét kinh khủng cái thằng ấy nó như đom á. Mình vẽ bậy trên vở nó. Nó thưa với cô. Báo hại mình phải đứng úp mặt vào tường trước lớp. Bực không thể tả. Thế là đâm ra thù nó. Lấy phấn kẻ ranh giới. Nó mà ngấp nghé xâm phạm lãnh thổ. Mình đánh cho ươn cơm. Thằng ấy chỉ giỏi thưa cô thôi.
Ở cái tuổi mông ngực phát triển, là mình nói tuổi dậy thì ấy. he he. Thì bắt đầu ước làm cô giáo dạy tiếng anh. Thuở ấy học cấp hai rồi mà. Đi đâu ai hỏi lớn lên ưa làm nghề gì. Ối ồi, mình trả lời hai tiếng “cô giáo” rõ to. Hồi ấy thích cái món anh văn. Học để được các thầy cô cưng. Ờ thì đứa nào chả thích được thầy cô í ới mỗi khi có bài tập khó, mình giải được thì cả lớp nhìn với ánh mắt long lanh.
Loanh quanh cũng đến cái thuở trung học phổ thông, ước mơ “cô giáo” hãy còn đậm đà khao khát lắm. Nhưng mà thú thật là lúc ấy mình thích ngồi bàn giấy hơn. Mình thích trên bàn làm việc của mình có đầy đủ các văn phòng phẩm như bàn của một ông sếp bụng to. Thích đi ngao du sơn thủy, thấy cái gì hay hay thì ghi chép lại. Hồi ấy ngu hết biết. Cứ nghĩ già trẻ lớn bé ở nước ngoài đều nói tiếng Anh. Cho nên cố học tiếng Anh cho ngu người để đi đến đâu đều nói chuyện được với người ở đó. Buồn cười lắm. Hồi ấy đi học mình ước có cái máy ghi âm để ghi âm những lời giảng của cô giáo vì mình ghét chép bài. Vở học và vở nháp thì không ai phân biệt được. Tiện đâu thì ghi chú thích ở đấy. Bà cô ông thầy nói nhanh như tàu bay chạy ấy. Chép ứ kịp.
Những tưởng ước mơ làm cô giáo nó tan biến sạch sành sanh vì cái sự muốn ngao du rồi. Nhưng có một ngày, đang ngồi học thì nghe kể thầy S dạy môn vật lý lên cơn đau tim và ngã quỵ trên bục giảng. Thầy ra đi trong vòng tay của học trò. Ua trời. Hồi đó mình tuy chưa học Thầy lần nào nhưng thần tượng cái chết của Thầy lắm. Được chết khi đang làm nhiệm vụ và tắt thở trong vòng tay của bạn bè đồng nghiệp thì còn gì hơn thế. Rứa là lại yêu ngành giáo.
Hồi đó được học một người Thầy dạy Hóa rất hay, Nghe giảng rất “ô mê ly”. Đặc biệt là Thầy đứa nào đang học mà ngủ gật. Thầy ném cục phấn vào đầu cái bốp. Ném trật, trúng vào đứa bên cạnh. Thầy không xin lỗi. Bù lại nếu đứa đó nói chuyện riêng thì Thầy sẽ tha cho nó một lần vì đã ăn đòn trước rồi. Mình lại càng khoái được đứng trên bục giảng để ném phấn trò. Hề hề. Thật dã man nhẩy?
Nhưng có một biến cố làm mình thay đổi ước mơ đó là sự ra đi của bà ngoại. Bà chết mà mỗi bênh viện kết luận mỗi bệnh. Mình mới ghi chép lại triệu chứng bệnh của bà qua lời kể của các dì, rồi ủ mưu thi đại học y khoa. Ra làm bác sĩ sẽ dựa trên những ghi chép ấy tìm hiểu ra bệnh của bà là gì. Thế là nguyên lớp 12 chỉ học Toán, Hóa, Sinh và Anh văn để thi khối B. Còn Anh văn để đọc tài liệu y khoa nước ngoài. Hồi đó đang ôn thi môn Sinh học. Tự dưng ông Thầy chuyển lên trường chuyên dạy. Bỏ bọn mình bơ vơ chẳng biết tìm Thầy nào dạy ôn thi. Thế là định thi ngành tâm lý giáo dục của đại học Quy Nhơn để làm chuyên gia tâm lý. Ớn cho cái ước mơ tức thời này mà. Sau này học đại học có tiếp nhận một “đương sự” và có tư vấn thành công cho một người. Thôi chuyện mần chuyên gia ấy mình kể sau. Nhưng mà cuối cùng mình vẫn làm hồ sơ thi y khoa Huế vì đã tìm được Thầy ở trường dưới huyện ôn thi. Lặn lội mười mấy cây số tầm sư học đạo.
Phải nói là học xong lớp 12, mình rất thích lập nghiệp ở miền Trung nên thi hai khố A, B đều ở miền Trung cả. Hồi nớ công nhận cũng khờ lắm. Cứ nghĩ học xong, cứ thế ở tỉnh đó làm việc. Hề hề. Thi ở Quy Nhơn vì thích ở biển. Thi ở Huế vì ưa cái mộng mơ xứ nớ. he he. Cuối cùng với bộ hồ sơ khối A không có dấu vân tay của mình thì đậu, còn khối B mình chăm chút ghi hồ sơ thì rớt chỏng vó. Ôi cái sự đời. Vào đại học cũng có ước mơ nhưng mà ước mơ lấy chồng giàu he he. Thôi không kể nữa hẩy? Chờ mình to to tuổi hơn tý nữa. kể cái phần sau cho. Hì hì.
Thôi sinh nhật sinh nheo, kể vậy thôi hẩy? Dừng bút nhé
Viết tại thành phố Bụi Mù Trời hay còn gọi là Buồn Muôn Thuở (Buôn Ma Thuột), 27/6/2013.
Tây Nguyên Xanh
***

À, mình có cô bạn sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, học cùng lớp đại học. Cùng nơi sinh, cùng nguyên quán, ở cùng tổ trong lớp và đã từng ở cùng phòng đấy. Thú vị lắm. Lớp phổ thông mình cũng có con bạn nhiều cái trùng như vậy nữa. hay ho thế không biết
12 comments

Wednesday, June 26, 2013

CÀ PHÊ “NÉT XƯA” QUY NHƠN

Ảnh: Thiên Quang
   Chỉ đến quán này hai lần nhưng ấn tượng với quán “Nét Xưa” thì rất khó phai. Lần đầu tiên mình đến quán này là thuở còn sinh viên. Lần thứ hai là đến vào những ngày mình ghé Quy Nhơn nhận bằng tốt nghiệp. Từ thành phố Quy Nhơn, thẳng tiến đường Tây Sơn về phía ngoại thành, nhìn bên tay phải sẽ thấy có một quán cà phê tên là NÉT XƯA.
   Quán được ưu ái về mặt diện tích hơn so với các quán ở nội thành Quy Nhơn. Mình đã ngồi ở dưới vòm cây rất đẹp và mát. Nắng sớm miền Trung có hơi gắt nhưng nó chiếu xuyên qua vòm lá in những hình tròn méo khác nhau, nhìn rất thi vị. Bên cạnh vòm cây là một gian nhà lấy mô hình nhà cổ ngày xưa. Dụng cụ ấm tách có ghi chữ Hán dạng Triện thể. Giá mà có cái khay trà như thuở xa xưa nữa thì hay. Đồ uống ở đó không có gì là đặc trưng nhưng có lẽ nhờ cái tên ấn tượng và không gian có nhiều mặt thoáng mà thu hút được khách nội thành ra đây. Hôm ấy, hình như mình bẽn lẽn vì một điều gì đó. Không nhớ nữa…   
   Người ta ghé quán này với nhiều lý do khác nhau. Nhưng có lẽ lý do phổ biến nhất là nó tương đối xa thành phố. Hẹn bạn bè thân cận, hàn huyên hết buổi sáng nơi này thì rất thích.
   Xuống Quy Nhơn nhận bằng. Ở đó ba ngày và mình đi đến gần như tất cả những nơi có dấu chân của mình, trong đó có quán Nét Xưa này. Ngồi trong quán mà nhớ kỷ niệm năm xưa ở bờ bên kia của ao cá Bác Hồ, nhớ bọc bánh ít lá gai và nhớ những hôm được gửi tặng nem Chợ Huyện sau khi ghé quán này.
   Kỷ niệm với các quán cà phê ở Quy Nhơn thì nhiều nhưng với quán này chỉ có vậy. Hôm nay rãnh rỗi, gõ lạch cạch khi nhớ Quy Thành.

***
BMT-26/6/2013-TNX
2 comments

Tuesday, June 25, 2013

ĐÊM TRĂNG

Ảnh: Duy Mỹ

ĐÊM TRĂNG

Đêm trăng thanh vắng lạnh buồn

Thương người phương ấy lệ tuôn ứa trào
Bên ngoài mưa gió rì rào

Nghe như tiếng khóc cô nào đang yêu

Một mình giữa chốn tịch liêu

Nàng miên man ước phiêu diêu khắp trời
Tiếc là thân gái có thời
E rằng không khéo nát bời kiếp hoa

Mặt mày như quỷ Dạ Xoa

Vậy mà cũng đã kinh qua tình trường
Tự nhiên thích sống vô thường

Đội trời đạp đất chẳng vương vấn gì.

********************************

Buôn Ma Thuột, 23h47 đêm rằm tháng Năm, năm Quý Tỵ
Tây Nguyên Xanh



4 comments

Monday, June 24, 2013

KÝ ỨC THÁNG BA TÂY NGUYÊN

Nguồn ảnh: Internet
Nhật ký của chiến sĩ Hoàng Đồng Hới
   Cứ độ tháng 3 về, dưới mênh mông cái nắng cái gió, bên những triền Cúc Quỳ gầy guộc bắt đầu rũ xuống nhường chỗ cho những cánh rừng nhởn nhơ thay lá, giữa hàng ngàn đàn bướm rợp trời chập chờn trôi trong gió… lòng dạ mình lại trào lên một cảm giác nhớ nhung khó tả. Nỗi nhớ nó thế nào nhỉ. Chịu thôi, nói sao bây chừ?!…Chỉ biết, đó là nhớ, một nỗi nhớ dấm dẳng, khó chịu xen dày bao nuối tiếc.
   Ngày xưa! Những ngày thơ ấu ngây ngô trong lớp học, bao buổi nghe thầy kể chuyện chiến trường, chuyện Tây Nguyên hùng vỹ với những tháng 3 mùa khô nhì nhằng lửa đạn mà thênh thang lãng mạn như bao câu hát của thầy. Mình và lũ bạn căng tròn đôi mắt để nuốt từng lời, để cất sâu vào tâm khảm một khoảng trời tháng 3 tươi đẹp cho mãi tận bây giờ.
   Bao năm rồi nhỉ?! Những trưa tháng 3, đã bao lần nằm vắt vẻo trên cành Xoan đầu ngõ lồng ngực căng tràn hương Xoan ngan ngát mà lẩm nhẩm bài "Tháng 3 Tây Nguyên" một cách đầy thích thú. Ngày ấy trong tâm trí mình, Tây Nguyên là những khoảng rừng già sôi động tràn trề nhựa sống của "Rừng xà nu", là những ngọn núi trầm mặc vút cao bất khuất của "Đất nước đứng lên", là những dòng sông mênh mông trung dũng của "Người lái đò trên sông Pô Kô", là những con đường đất đỏ chạy dài trong nỗi nhớ bởi "Tình ca Tây Nguyên", là những… và là những gì tất cả của một tháng 3 Tây Nguyên giữa chốn thiên đường đã cất giữ bao hoài bão và ước mơ cháy bỏng riêng mình.
   Rồi tháng, rồi ngày đi qua, mình chợt lớn lên cùng lũ bạn. Cũng chớm tháng 3 bọn mình chia tay, người về biển cả để đến giờ vẫn còn dăm đứa nằm sâu đâu đó bên những rặng san hô, kẻ lên biên giới để còn mình với đôi ba đứa lấm lem bụi đỏ mưu sinh sau những cơn sốt dai dẳng hằng năm. Dù sao, ngày ấy mình cũng là đứa may mắn nhất, vậy là ước mơ bay nhảy giữa đại ngàn Tây Nguyên đã thành hiện thực.
   Nhớ quá đi những tháng ngày trinh sát đo đạc. Thằng bé con ở cái tuổi 17 nét bút còn khờ khạo mà đôi chân đã rắn rỏi theo các anh bươn rừng, lội suối khắp mọi nẻo đường biên giới Tây Nguyên. Những trưa nắng cháy hí hửng bò lên mấy con dốc để trút sạch lương khô đổi vài bơ gạo đỏ, những chiều mưa giông đói run giữa mênh mông rừng Khộp vẫn nhìn nhau cười rộn rã khi lần thấy đường ra…
   Quên làm sao, những lần ngồi ngẩn ngơ bên mấy nấm mồ liệt sĩ vô danh giữa rừng già mà bụng dạ lại cồn cào với bao thắc mắc. Bác mình nằm lại nơi đâu?! Trong này ai là đồng đội của Ba, ai là bạn của thầy?! Đến giờ vẫn bồi hồi mỗi khi nhớ nhung những giọt nước mắt đầu đời lặng lẽ thấm sâu sau cánh võng giữa những đêm rừng mưa tầm tã…
    Năm tháng trôi nhanh và Tây Nguyên chợt lạ. Tây Nguyên bây chừ như đã quay lưng với những ngày xưa ấy.
    Đất đỏ còn đây, núi cao còn đó. Tất cả hầu như trơ trụi, nhàu nát một màu hoang tàn hơn bao giờ hết. Những cánh rừng nát tan cháy đỏ, ngàn chuyến xe chất đầy cổ thụ oằn mình bám sâu móng vuốt xới tung những mặt đường. Những dòng suốt năm nao còn thác đổ giờ đây trơ đáy cho bơ phờ bao khuôn mặt lấm lem khô héo được vuốt ve bởi những bàn tay nứt nẻ ưu phiền. Chim thú đi về nơi đâu để bao khoảng rừng chiều trở nên như câm, như điếc…
    Cứ thế, có lẽ Tây Nguyên của mình đã đi mãi, mãi mãi đi vào vô tận như bỏ mặc mình ngồi đây khắc khoải mong nhớ ngày xưa.
10 comments

Sunday, June 23, 2013

CÀ PHÊ "TIẾNG THỜI GIAN" QUY NHƠN

    Ngày xưa mà cũng chưa xa lắm, quán đó nép mình trong một góc khuất của thành phố. Nhờ có quán cà phê ấy mà người ta biết Quy Nhơn có con đường gọi là Trần An Tư. Quy Nhơn có những con đường ngắn ngủn nhưng vẫn được đặt tên đường ví dụ Chàng Lía hay Lê Lai….Và Trần An Tư là một trong những con đường như vậy.
    Cà phê “Tiếng Thời Gian” gần như là “quán ruột” của sinh viên khoa Văn trường đại học Quy Nhơn. Tôi là sinh viên khoa khác nhưng mà lại có mối thâm giao với bạn bè và thầy cô khoa Văn nên có đôi lần ghé quán này. Nói là đôi lần nhưng thực ra cứ ngày thứ tư và thứ bảy hàng tuần tôi vào quán này cà phê một mình. 

Tác giả ảnh: Thằng Đậu
    Tôi thích quán này vì tách Lipton Nóng ở đây pha rất ngon. Có thể là nói là ngon nhất từ khi tôi biết đến cà phê để hàn huyên tâm sự với bạn bè và suy tư một mình. Quy mô quán chỉ hơn những quán cà phê lúp xúp một chút thôi nhưng mà có lượng khách rất ổn định. Đa số họ là những trí thức muốn có giây phút yên lặng giữa chốn phồn hoa phố thị. Hoặc họ là những con người làm ăn, muốn có những cuộc hẹn nơi ít gặp người quen của họ. Nhưng hình như chị phục vụ nhớ thức uống của từng vị khách. Ví dụ như tôi, khi lộ mặt ở quán, sau khi cười với chị phục vụ thì tôi được chị bưng ra một tách Lipton Nống. Và như thường lệ, nếu đi một mình thì khi ra về tôi kẹp tiền ở dưới tách rồi bưng trả lại quầy. Không nỡ để người ta phục vụ hai lần. Nếu đi với bạn bè thì tôi bận tiễn bạn nên không quay lại quán nữa.
    Còn nhớ lần đầu tiên thầy giáo dạy Hán văn gọi tôi ra quán này uống cà phê. Từ kí túc xá đại học Quy Nhơn tôi đi ra đường An Dương Vương rồi men theo con đường Diên Hồng. Đang ngơ ngác nhìn hai bên đường thì bất chợt thấy cái biển xanh ghi tên Trần An Tư, thế là quẹo trái và thẳng tiến đến cà phê TIẾNG THỜI GIAN. Tôi thích cách pha chế Lipton Nóng của quán này ngay lần nhắp môi đầu tiên.
    Đấy là ngày còn sinh viên thôi. Hôm tôi xuống Quy Nhơn để nhận bằng tốt nghiệp mới hay quán ấy đã chuyển về đường Phạm Ngọc Thạch. Đã chạnh lòng vì thay đổi nơi chốn rồi, không ngờ hương vị tách Lipton Nóng nhạt nhẽo không thể tả được. Hôm ấy tôi thấy như mình bị phản bội. Có lẽ mãi sau này tôi sẽ không bao giờ ghé lại quán ấy nếu có dịp ghé Quy Nhơn nữa. Hôm đó, chắc do buồn nên tôi ứng tác vài câu thơ. Bài thơ có tên:

NỨC NỞ QUY NHƠN
Anh ác lắm
Muôn đời anh ác lắm
Gặp em rồi mà ngỡ giữa hư vô
Mắt nhạt, môi xa, trái tim ai hửng hờ
Cà phê không trọn tách
Nụ cười quá vô duyên

Mai em về
Về với mây với núi
Với ngọn gió đánh bạt nỗi nhớ anh
Với cái nắng thiêu đốt mọi xúc cảm trong em
Với đại ngàn ấp ôm em bao tháng ngày
Gửi lại anh một nỗi nhớ trơ vơ

    Vậy đấy. Ai cũng có những thói quen và những hương vị thân thuộc. Thay đổi một cái gì đó có lẽ sẽ làm ta buồn và nhớ mãi mãi. Thương lắm những lần thư thái nơi góc Tiếng Thời Gian.

   Buôn Ma Thuột, sáng 23/6/2013
Em Gái Tây Nguyên
2 comments

VỀ XỨ NẪU THƯỞNG THỨC MÓN GÀ "HẤP CÁT"

Ký sự của Nguyễn Thanh Quang (Bình Định Online)
   Gà luộc, gà hấp nồi, gà rang muối, gà hầm, gà quay, gà bọc đất sét nướng, gà rô ty … được chế biến ở nhiều nơi; riêng món gà ngon, lạ: gà “hấp cát” chỉ có ở “Xứ Nẫu”, và “Xứ Nẫu” cũng duy nhất có ở suối nước nóng Hội Vân, cách thị trấn Phù Cát hơn 2km và cách thành phố Quy Nhơn hơn 30km.

   Hiện nay, suối nước nóng Hội Vân là một trong 9 danh thắng của tỉnh Bình Định đã được đưa vào danh mục thống kê. Du khách có thể đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn cảnh đẹp, nghỉ ngơi, giải trí, ngâm mình trong làn nước nóng ấm áp tự nhiên, đặc biệt thưởng thức món gà “hấp cát” và trứng luộc nước khoáng – món ngon, lạ chỉ có ở nơi đây. Xin lưu ý, những món đặc sản Hội Vân chỉ có vào mùa nắng, vì mùa mưa nước ngập mặt suối, tất cả các vòi nước nóng bị dòng nước mát phủ lấp.


   Để chế biến các món trứng luộc và gà “hấp cát”, người ta đã tạo những “lò nấu” bằng cách đúc những bi bê tông như bộng giếng, đặt bao bọc những vòi nước nóng trên bãi cát hai bên lòng suối để giữ nước, và không bị dòng suối mát chảy qua làm nguội. Trứng gà hoặc trứng cút được cho vào túi lưới thả vào nước khoáng khoảng 20 phút là trứng chín hồng đào, trứng luộc nước khoáng có vị béo bùi và đậm đà.

   Chế biến món gà “hấp cát” cầu kỳ và mất thời gian nhiều hơn, gà làm xong rửa sạch để ráo nước, thoa đều bên trong và bên ngoài con gà một lớp gia vị: hành, tiêu, ớt, sả, lá chanh … gói kỹ vào giấy bạc, cho vào túi ni lông rồi đem chôn hấp dưới cát trong “lò nấu” khoảng từ 1 giờ đến 2 giờ tùy theo “lò” có vòi nước nóng nhiều hoặc nóng ít. Trong thời gian chờ gà chín, du khách có thể thưởng thức dịch vụ tắm nước khoáng, ngâm mình trong nước nóng tự nhiên, vô trùng được áp lực lòng đất đẩy lên dẫn vào bồn chứa.

   Gà “hấp cát” Hội Vân là gà thả vườn, thịt săn chắt, gói kín trong giấy bạc, được cát nóng hấp chín gà từ từ, gà không bị mất nước, thịt thơm, ngọt. Mùi, vị rất đặc trưng.

   Không phải là nhà hàng sang trọng, không có nhiều món để thực khách lựa chọn, … ở Hội Vân chỉ có lều quán dựng bên bờ suối là nhà sàn tre gỗ thô mộc, hòa vào phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ của làng quê trung bộ, với dịch vụ tắm nước nóng tự nhiên và “món độc”: trứng luộc, gà “hấp cát” suối khoáng, giá rất bình dân, nhưng du khách sẽ có những giờ phút thư giãn thanh thản, yên lành và ấn tượng khi một lần đến dòng suối khoáng Hội Vân huyền ảo.
Nguồn bài viết tại Facebook Quy Nhon Land 
2 comments