Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, December 27, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 14. MÙI THỐI THÂN QUEN

Trái Cây cà phê đang độ ngả vàng chớm đỏ
   Vào Facebook của bạn, thấy nó đăng câu cụt ngủn rằng nhớ mùi nước trấu cà ngoài mương quá. Ấy thế mà hốt hơn một trăm lượng like. Toàn con em của công nhân trồng cà phê trong danh sách bạn bè mà. Ai chẳng nhớ cái mùi ấy. Mùi thối in hằn trong tuổi thơ....
Trái cà phê chín đỏ
   Đứa nào ghi lý lịch là con của công nhân trồng cà phê mà không biết cái mùi ấy thì nghi ngờ tính trung thực lắm, bạn nhỉ? Chúng ta đã cảm nhận mùa cà phê bằng mắt, bằng tay, bằng chân và cả mũi. Chúng ta thấy sự tất bật của bố mẹ và láng giềng. Tai chúng ta muốn rát vì nghe những lời than thở lo toan. Tay chúng ta chai vì giúp bố mẹ hốt cà phê. Chân chúng ta nẻ vì những đường cày sau một mùa phơi phóng. Còn cái mũi thì ngất ngây với “hương thơm” ấy. Mùa cà phê thực sự bắt đầu khi chúng ta đạp xe qua những cái cống, cái mương mà ngửi thấy mùi thối ấy, bạn nhỉ?
Loại bỏ tạp chất sau khi hái cà khỏi cây
   Người lớn bảo cái mùi ấy phát sinh từ dòng nước đen ngòm dưới hệ thống kênh mương kia. Sau khi công nhân giao nộp sản phẩm cà tươi thì công ty tiến hành xát vỏ bọc và dùng nước rửa chất nhờn để sấy phơi cho nhanh khô. Cái nước nhờn cùng với vỏ trấu tươi để lâu ngày tạo thành màu đen như than và hôi như thế. Lãnh đạo công ty cứ vô tư ra lệnh xả nước thối ấy ra hệ thống mương thủy lợi để cho nó chạy về các hồ chứa đầu mút của các tuyến kênh mương trong mấy mươi năm. Họ khiến cho bố mẹ chúng ta phải chịu mùi hôi ấy khi hái cà ngoài rẫy. Nơi chúng ta sống được bao quanh bởi rẫy, hệ thống mương cũng chảy dài theo chiều dài của xóm. Cái mùi ấy cứ quấn lấy chúng ta. Nó thối long trời lở đất, nó làm chúng ta nảy ra ý tưởng muốn bay đi đâu đó thật xa đến hết mùa cà phê thì về. Chúng ta cứ mãi chịu đựng cho đến lúc công ty xả nước rửa mương trong đợt tưới đầu tiên của mùa khô năm mới. Thật kinh khủng, bạn nhỉ? Chúng ta chứng kiến bố mẹ đi xúc cái trấu trong nước hôi ấy lên để bón cho cà phê và hồ tiêu. Họ phát ghẻ lở vì thứ nước ấy nhưng ráng làm để nuôi con. Tất cả chúng ta phải vượt qua quảng thời gian thối ấy mới có tiền để đến những nơi thơm tho. Và rồi hôm nay đây, những người con xa Tây Nguyên thấy như mùi thối ấy phà vào trong ký ức khi trời trở gió nơi đất khách.
Kéo lưới cà phê sau khi hái từ cây.

   Bạn ơi, về thăm quê đi. Về xem tiếng nói của dân mình có hiệu lực như thế nào. Sau mấy mươi năm kêu gào các cấp. Năm nay công ty buộc phải bỏ ra năm tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải rồi. Cái mùi ấy không hại mũi dân mình nữa. Hãy về quê và dẫn thêm người yêu mà trao nụ hôn nông cháy trong không gian ướp hương hoa cà phê. Mùa khô đến rồi đó...
Đổ cà ra phơi sau khi hái
Buôn Ama Thuột, 27/12/2014
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Diệu Huyền - Thành Huy
Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8Phần 9Phần 10Phần 11Phần 12Phần 13 để theo dõi từ đầu nhé


No comments

Thursday, December 25, 2014

BIÊN CHẾ CHƯA EM?

   Lúc nãy, bố của người suýt tán mình đến chơi. Gọi như thế là vì nghe mẹ bảo anh kia tỉ tê tâm sự với bố mẹ mình là muốn tán con gái của cô chú nhưng mà thấy bé khó tính quá nên cháu sợ. Ối ồi ôi, nghe mẹ kể thế mà mình tan nát hết cõi lòng. Vì anh ấy cười duyên duyên cực. Mà mình dễ tính lắm luôn đấy. Bằng chứng là thằng cò con vạc nào đến rủ rê đưa hồ sơ cho nó xin việc, mình đưa ngay. Dễ đến thế là cùng, nhẩy? Hã hã. Thôi kể lại cho các bạn chuyện vừa mới hóng được từ vị khách kia.
Tác giả ảnh: Vũ Duy Bội
   Có anh chàng nọ, yêu thật lòng thật dạ với cô gái hành nghề gõ đầu trẻ. Tán được một đỗi đường duyên rồi, anh chàng về xin bố mẹ đem sính lễ sang trả nợ cho nhà gái để bợ dâu về thì ông bố của anh ta bảo sang hỏi con bé “biên chế chưa em?”. Nếu rồi thì cưới, chưa thì “người ơi đành thôi, xa nhau từ đây...”. Anh con nghe lời bố và kết quả cuộc tình ấy là chia tay vì cô gái đang thuộc diện hợp đồng chờ chỉ tiêu biên chế. Ông bố xúi tán cô giáo khác, cô này biên chế rồi. Mỗi tội hơn anh con một hay hai tuổi gì đó. Nhà gái không muốn cho tán vì sợ nhỡ cu cậu cả thèm chóng chán. Nhà trai thì khoái cô này vì nghĩ đến tương lai gia đình sẽ bốn người bốn lương. Anh con đến cổng nhà gái không dám ló cổ vào. Thành ra đêm nào bố cũng chở con đi...tán gái. Ép con vào cổng rồi thì bố tấp vào quán cà phê chờ đến giờ tạt qua ngõ đón con về. Chưa hết, anh con phải thuật lại quá trình tán và kết quả của buổi tối đó cho ông bố. Nghe chừng kết quả không ăn thua, bố xúi con “dui” con bé đi, nó tròn bụng, tao tổ chức linh đình cho chúng mày. Thế là cưới.
   Chuyện nữa, ấy là xóm bên có nhà kia đang khóc lên khóc xuống vì cả hai cô con gái đều đang “bụng vượt mặt”. Lý do là các cặp phụ huỳnh chần chừ, chưa cho cưới, họ nói sợ chúng mày không hợp nhau. He he, Bố mẹ sợ nên các con “hợp” luôn để phản đối cái sự “không”. Chẳng bù cho đại gia đình kia, con trai học thể dục thể thao về, không xin được việc. Vớ được gái có nghề để yêu. Nhà gái thấy anh này không nghề nên ngại cho tìm hiểu. Thế nhưng khi được mời đến nhà trai chơi cho biết, họ thấy nhà trai hai lầu nên cho con gái yêu. Con nhà trai lại nghe đồn là nhà gái có cơ mạnh nên sẽ xin được cho rể. Thế là họ kết thông gia. Các con “thông thịt” xong và đẻ cháu rồi biết thực sự gia cảnh hai bên. Hỡi ôi, đại gia đình ấy đang cắn nhau như cua rạm.

   Hết chuyện rồi, mai hóng được thêm gì thì mách lẻo lại cái đó. Tây Nguyên Xanh tốt nghiệp tại học viện Hóng Hớt & Mách Lẻo mà lị. hí hí
Buôn Ama Thuột, 25/12/2014
Tây Nguyên Xanh
1 comment

Wednesday, December 24, 2014

NHÀ THỜ GỖ Ở KON TUM

   Nằm bên dòng sông Đăk Bla trong xanh, thơ mộng, thành phố Kon Tum luôn là điểm đến của nhiều du khách thích khám phá những nét hoang sơ, hùng vĩ của rừng xanh đại ngàn và những nét cổ kính của những ngôi nhà sàn của đồng bào Ba Na trong đó có ngôi nhà thờ 100 tuổi đời hay còn gọi là nhà thờ Chánh tòa Kon Tum.
   Đến với thành phố được mệnh danh là sơn nữ núi rừng Kon Tum, từ xa du khách sẽ thấy tháp chuông nhà thờ gỗ với màu nâu ấm áp cao sừng sững vươn lên nền trời xanh. Là một di tích cổ và đẹp nhất ở Kon Tum, nhà thờ Chánh tòa luôn được đánh dấu trong bản đồ du lịch của nhiều du khách khi đến với thành phố cao nguyên trẻ trung và đầy năng động này.
Dáng Nhỏ Giáo Đường - Tác giả ảnh: Huỳnh Võ
   Nhà thờ Chánh tòa được người dân nơi đây gọi thân mật là nhà thờ gỗ bởi công trình độc đáo này được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, thiết kế với lối kiến trúc Roman cổ điển kết hợp với kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Ba Na nơi đây. Do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1913 đến đầu năm 1918 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng cho đến nay. Ngày nay công trình đã trở thành biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên, là niềm tự hào của người dân thành phố Kon Tum và luôn có sức hút mãnh liệt cho những du khách đến với vùng cao nguyên bạt ngàn.
   Công trình được làm hoàn toàn bằng một loại gỗ đặc trưng nơi đây là gỗ cà chít và các bức tường, vách được làm bằng đất trộn rơm, không dùng bê tông cốt thép và kể cả vôi vữa để sơn trét. Mặt tiền nhà thờ được chia thành bốn tầng cao 24 mét, gồm bốn cột chính và hai cột phụ nối kết với nhau thành những vòng cung nâng toàn khối nhà thờ với kích thước nhỏ dần khi lên cao, lưng chừng tháp là bốn ô cửa sổ kính màu hình tròn với nhiều thanh gỗ cong đồng tâm được sắp xếp một cách hoàn hảo tạo cho cửa sổ mang dáng dấp một con mắt nơi chính diện của nhà thờ. Trên đỉnh tháp là cây thánh giá bằng gỗ quý cao vút, thể hiện sự uy nghiêm và vĩnh cửu của ngôi thánh đường.
   Khung sườn của nhà thờ gồm bốn hàng cột gỗ cao 12 mét chạy dài từ mặt tiền đến phòng áo, hai hàng cột giữa lớn tạo nên gian chính rộng, cao và thoáng mát. Hai hàng cột ngoài nằm sát vách là hai gian phụ với trần nhà thấp hơn, cả bốn hàng cột trụ trên các đế đá vững chắc có sức chịu đựng với thời gian, nâng đỡ cả trọng lượng của ngôi thánh đường.
   Bên trong nhà thờ có nhiều hàng cột nhỏ được liên kết với nhau bằng các vòng cung gỗ tạo thành hình vòm đỡ các cửa sổ phía trên như ôm trọn những ai vào giữa lòng nhà thờ. Bên trong thánh đường có nhiều khung cửa kính màu vẽ lại các điển tích trong kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng trời tự nhiên, vừa tạo thêm vẻ rực rỡ tráng lệ cho ngôi giáo đường. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu nhưng chính những hoa văn với những đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng đã thể hiện được cái khí chất của đồng bào bản địa Tây Nguyên.
   Gần một thế kỷ phơi mình dưới cái nắng, cái gió Tây Nguyên ngôi nhà thờ vẫn đang vững chãi dưới thời gian và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của thành phố Kon Tum. Du khách có thể đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nếu đến vào mùa hoa đậu nở, trên đường tới nhà thờ bạn sẽ gặp sắc hồng, sắc trắng của những con đường hoa làm lộng lẫy thêm nhan sắc Kon Tum.
   Nếu đến vào dịp lễ Giáng Sinh, bạn sẽ gặp tại đây cả nghìn giáo dân đủ tộc người tìm đến nhà thờ, họ ở lại ngay bãi đất trống bên phải có khi cả tuần để tham dự lễ. Đó là những ngày nhà thờ náo nhiệt, đầy sức sống với cảnh mua bán tấp nập. Tất nhiên, trong phiên chợ này có rất nhiều sản phẩm thủ công từ các buôn làng đem theo bày bán. Còn nếu đến nhà thờ vào một ngày bình thường nào đó, sẽ gặp sự thầm lặng của một giáo đường. Hàng ghế hai bên hông nhà thờ vào lúc làm lễ là chỗ để giáo dân cầu nguyện, lúc này thành chỗ cho các em học sinh dùng để ôn bài học tập.
   Đến Kon Tum ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của nhà thờ gỗ bạn còn có thể thưởng thức những món ăn đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên như cơm lam, gỏi lá, gà nướng măng đen với ché rượu cần nồng nàn hương sắc núi rừng.
Tác giả bài viết: Văn Trãi
Nguồn bài viết: Báo VnExpress 
2 comments

Tuesday, December 23, 2014

SUÝT NỮA MẤT MÙA KÉP

   Từ hôm bão sờ gáy đất liền đến giờ trời mới có tí nắng các đại ca nghiện cà phê sáng ạ. Anh Mặt Trời nom đẹp ghê đẹp gớm. Dễ chừng gần nửa tháng, em chửa thấy mặt anh ấy. Chị Mây đóng kín cửa, chẳng cho anh ấy ngó nghiêng gái Tây Nguyên gì cả. Chị ấy ghen làm gì nhỉ? Anh Mặt Trời chỉ có thể ở trên ấy ngắm những đường cong mềm mại của các em xinh tươi dưới này chứ làm gì đâu nhỉ. À có chứ, lâu lâu anh ấy khoèo vài tia nắng xuyên qua cổ áo của các nàng. Nguy hiểm thế chứ lị. Cơ mà anh ấy không “sàm sỡ’ cõi nhân sinh thì dân chết đói. Chị Mây hôm nay bỏ nhà bỏ cửa đi theo anh Gió nên anh Mặt Trời mới có cơ hội “lèo phèo” với chị Đất Tây Nguyên đấy. Nông dân trồng cà phê năm nay sém tí nữa mất mùa kép. Là bởi vì năm nay sản lượng yếu kém, được mấy hột cà cuối mùa tận thu về xếp chồng trên sân. Trời không nắng để phơi phóng, nó mốc và đen nhân. Thương lái không ai thèm mua cà đen nhân thì toi cơm. Bị “hụt tiền” hai lần nên là mất mùa kép. Cái ảnh dưới đây là hiện trường vụ “cà mốc tổ ong” xảy ra ở nhà Tây Nguyên Xanh.
Gọi là mốc tổ ong vì cái thứ mốc ấy kết dính các quả cà phê tươi thành một khối nom như tổ ong ấy. Mốc vỏ thôi, phơi phóng vài bữa là chúng có thể ưỡn ẹo trên tách rồi mơn trớn làn môi của người thưởng thức ấy mà. Sáng nay hai bố con xì xụp cào cào, hốt hốt, bưng bưng, đổ đổ cà ra mọi chỗ có thể để cho chúng nó hưởng vài tia nắng nhạt. Lâu lâu nhọc quá, thở phì phò nhìn đường sá. Thấy vài tốp người nối nhau đi lượm mót.
   Nửa buổi đến nhà hàng xóm xin cắt mấy cành chè về uống vì của nhà trụi lơ rồi. Trên đường về bắt gặp một Ama cùng với hai đứa cháu trai đi chăn bò. Mấy đứa cháu cỡ lớp năm lớp sáu gì đó xách cái cái bao nhỏ, lượn lờ trong những gốc cà phê để lượm mót. Một mình Ama quản đàn bò. Tò mò hỏi Ma ơi, mai mốt cỏ trơ gốc thì lấy gì cho bò ăn trong mùa khô hả Ma. Ama trả lời rằng khi đó phải dắt chúng nó lên trên đồi phía xa kia. Tưởng rằng Ama và nhiều gia đình có bò khác sẽ làm chuồng tạm cho chúng nó dưới chân đồi. Ai ngờ, Ama bảo sáng đi tối về chứ không ở lại. Nghe Ama nói mà nhác thay cho họ. Ama hỏi không đi học à. Hã hã, em mừng thầm vì Ama thấy em hãy còn giống trẻ còn học phổ thông. Sau khi thú thật cái sự đang ở tuổi cập kê. Ama bảo Ma có thằng con trai học kiểm lâm, làm việc rồi. Em nghe mà ưng cái bụng, nói Ma ơi, cho con bắt anh kiểm lâm về làm chồng đi. Đúng lúc mấy con bò thấy bó chè em đang cầm trên tay, chúng tưởng lá ăn được nên hùa nhau vây quanh em. Em sợ, em la làng lên. Ama cười thú vị, nói sợ bò thì làm sao bắt chồng dân tộc được hả con. He he. Xem ra em phải làm thân với mấy con bò để còn có cơ hội đi chăn cùng cái anh kiểm lâm kia.
   Nắng lên, cả xóm vui nên em cũng phỡn tí, he he
Buôn Ama Thuột, 23/12/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, December 22, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 13: BỘ ĐỘI KÉO LƯỚI

   Thuê nhân công ở tại nhà trong suốt mùa cà phê không phải ai cũng có thể tin tưởng được. Có nhà bị nhân công trộm cắp rồi bỏ trốn nên nhiều gia đình muốn thuê bộ bội cho an tâm. Ít ra cũng liên lạc được với đơn vị nếu có sự cố xảy ra. Còn phía quân đội thì những mùa cà phê như thế này là cơ hội để gắn kết mối quan hệ đặc thù Quân – Dân nên hằng năm các doanh trại quân đội hay cử lính về giúp dân. Tất nhiên, số lượng không nhiều vì còn tùy thuộc vào công tác huấn luyện của các chú ấy. Già trẻ gì thì Tây Nguyên Xanh cũng gọi lính là chú nhé. He he. Bác sĩ thì làm bác của thiên hạ còn bộ đội mãi được dân gọi bằng chú. Đừng có mà thắc mắc anh trẻ như này mà em nỡ gọi bằng chú nhé, he he.
   Buôn, xóm nào có nhà thuê được bộ đội thì xôm trò thôi rồi. Tối nào cũng có khách hết. Lính có một hấp lực vô hình nào đó khiến người ta muốn kết thân. Kể cả khi các gia đình đổi công cho nhau thì người ta cũng muốn kết cặp hái với lính. Một phần vì lính được huấn luyện quy củ nên sức khỏe có vẻ bền hơn người bình thường. Hái với lính thì được chú ấy kéo giúp cho đỡ nặng. Nhất là các quý cô, vừa được rỉ tai hôm nay có bộ đội hái cà thì mắt chớp chớp, vuốt tóc, sửa soạn cho dáng gọn nom eo thon hơn một tí. Miệng muốn xin hái chung với lính nhưng ngại. Thành ra các cô cứ tim đập thình thịch khi nghe chủ nhà phán cách chia cặp. Được cái chủ nhà hay phân một nam một nữ thành cặp để kết hợp sức kéo của nam và sự tỉ mỉ nhặt trái cà bị rớt dưới gốc của nữ. Vì cái sự kết cắp này mà nảy sinh cái sự yêu do có thời gian vừa hái vừa tỉ tê tâm sự.
   Nhà nào có con gái thì có nhiều chuyện để kể lắm. Đại khái là các anh lính giữ đạo đức và kỷ luật nên khi tiếp xúc với con gái của chủ nhà thì xưng chú gọi cháu nhưng sau mùa thu hái, trong phút chia tay để lính trở về đơn vị thì chú nhắn cháu là: “bé lớn nhanh, anh chờ....”. Thế là vài năm sau tự dưng nhà ấy có con rể là bộ đội. He he. Dễ hiểu mà, bọn con gái như mình từ nhỏ đã được khuyên nên yêu mến các chú bộ đội. Thành ra luôn nhìn lính qua lăng kính ngưỡng vọng. Lửa gần rơm như thế....vài năm sau mới cháy là quá nể tính kỷ luật của lính và cái cô nàng kia rồi đấy.
   Để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thuế của dân, ngày nay các binh đoàn đã tự làm kinh tế. Nên đến mùa cà phê, lính cũng phải tự thu hoạch cà của mình. Vì vậy tìm được lính để thuê nhân công là cả một vấn đề. Về tình Quân – Dân thì các anh lính chính là cầu nối hòa giải những mâu thuẫn sắc tộc. Không ai có thể giải quyết ổn thỏa bằng bộ đội. Lực lượng quân đội nhân nhân hoàn toàn có thể tự hào về điều đó.  
   70 năm thành lập và trưởng thành là 70 năm hy sinh và lớn mạnh, là 70 năm xây dựng tượng đài sống trong lòng dân tộc, cũng là 70 ươm mầm hy vọng về chủ quyền của một quốc gia. Mong các chú bộ đội khỏe! 
Buôn Ama Thuột, 22/12/2014
Tây Nguyên Xanh
   Các bạn bấm Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8Phần 9Phần 10Phần 11Phần 12 để theo dõi từ đầu nhé
   Sau đây là chùm ảnh của tác giả Hà Quốc Thái về lính. Mời các bạn chiêm ngưỡng:











2 comments

Sunday, December 21, 2014

HỒNG CẬY

   Đã hết mùa cà phê, hôm nay ngày chẵn (30/10 âm lịch) nên người làm thuê trong xóm lên xe về quê hết. Thấy mấy người lên xe về chợ Tto (Nam Đàn, Nghệ An) mà thấy nhớ nhớ điều gì đó rất mơ hồ. Nó giống với cảm giác nhớ nhà. Chẳng lẽ mình tư hương trong chính nơi sinh của mình? Cứ về đến đó thì tự khắc đôi chân biết đường về Xuân Hòa quê Cha. Cái nơi đã nuôi nấng tuổi thơ của người sinh ra mình, ừ Ba mình! Ba đem hương quê vào Tây Nguyên cho bọn mình được biết chất Nghệ. Ba nhờ người mang sản vật của quê nhà cho bọn mình thưởng thức. Những người được nhớ ấy chính là con cháu của láng giềng cũ vào đây làm thuê. Có thể nói những người làm thuê là sợi dây nối Tây Nguyên với các vùng miền khác, là “kênh” để sản vật đi vào lòng người khác xứ. Nhờ họ mà mình mới được ăn bánh Cáy Thái Bình, vải sấy Bắc Giang, mì chính của Lào nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), củ ấu...
Tác giả ảnh: Thu Hương
   Ông bà nhớ cháu, các dì các bác thương Ba Má sống xa anh xa em nên cứ thấy ai vào Dak Lak thì thế nào cũng gửi cho nhà mình cái này cái nọ. Khi thì đàng nội gửi cho can tương, đàng ngoại gửi cho mấy ký hành tăm (củ nén), lúc thì có người nhắn đến nhà nọ nhà kia lấy bì lạc khô. Lắm khi chỉ đơn giản là một xấp kẹo Cu Đơ. Ấy thế mà nhà mình có lạc và tương quê quanh năm. Ngược lại, trong này hễ ai về ngoài đó thì Ba Má mình cũng cố gắng gửi mấy ký tiêu hạt, thời mi chính (bột ngọt) còn đắt đỏ thì hay gửi mỗi nhà một gói.  Những ngày mưa như thế này, rang một nắm lạc thơm lừng rồi thả nguyên hạt vào chén nước tương cho nó trương phình lên, ngấm gia vị rồi ăn với cơm trắng. Cái vị sao mà bùi đến thế.
Tác giả ảnh: Thu Hương
   Ngày bé, mỗi lần bóc tờ lịch đầu tiên của tháng 10 âm lịch, mình thấy Má hay chặc lưỡi tiếc rẻ thời gian rồi ngâm: “Vội vàng ăn nhãn tháng năm/ Ung dung ngồi đợi hồng ngâm tháng mười”. Với trái trái Hồng Cậy, mình chỉ biết như thế cho đến mãi năm ngoái mới được nếm hương vị của nó. Ờ thì hương vị cũng gần giống trái Hồng Giòn to uỳnh trồng ở xứ mơ mộng Đà Lạt. Nhưng hình như với Ba Má mình thì nó ngon lạ kỳ vì thấm hương quê. Mời láng giềng đồng hương đến ăn, ai cũng tấm tắc khen ăn hồng ngâm mà uống “nác chát” thì còn gì bằng. Vừa ăn, các cụ vừa rôm rả kể lại những kỷ niệm thơ bé đi trộm hồng rồi lấy gai bưởi đâm lỗ cho nhựa chảy ra và ngâm dưới khe suối. Chờ cho nó chín mới vớt lên ăn. Các cụ nói hồng phải ngâm khe nước chảy mới ngon.
Tác giả ảnh: Thu Hương
   Nghe nói Hồng Cậy được trồng nhiều ở xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, Nghệ An), là cái nơi mà theo như mình tưởng tượng thì xã ấy ở bên kia rú Anh. Nam Anh có chợ Trùa (chùa) họp buổi chiều. Cái chợ bán những trái mít bở (mít ướt) cho mình ăn trong những hè về thăm quê. Giờ này chắc “ngoài nớ” hết mùa hồng rồi. Chỉ có thể sưu tầm ảnh nông sản trên báo Nghệ An mà thôi... 
Buôn Ama Thuột, 21/12/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments