Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, November 18, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 17: NGHỀ GIÁO HOẶC RẪY CÀ PHÊ, CÔ CHỌN ĐI!

November 18, 2015

Share it Please
     Đó là câu nói như la hét của những người chồng có vợ làm giáo viên ở Tây Nguyên vào những năm trước 2000. Không những nghề giáo mà cả hệ thống kế toán trong các trường học thời kỳ đó cũng bị hao hụt nhiều vì câu nói tương tự như thế. Những ngày này, các cô giáo còn khoảng sáu năm nữa về hưu đều thở dài tặc lưỡi rằng may mà vẫn cố bám trụ được đến bây giờ. Sáng đi trường, chiều đi rẫy, tối về soạn giáo án mà vẫn có đồng ra đồng vào nhờ lương, chỉ bám vào cà phê thì chật vật lắm. Đúng vậy, giáo viên mà lấy nông dân trồng cà phê, cao su, tiêu….thì cũng sướng chả khác bộ đội lấy giáo viên là mấy.

     Cô hàng xóm của tôi kể, cô ở ngoài Nghệ An vào đây học tại trường cao đẳng sư phạm Dak Lak rồi được phân về khu tập thể khi đất nước thực hiện đổi mới được mấy năm. Chưa khi nào đồng lương của nghề giáo bị khinh rẻ như thời kỳ ấy. Cô đi cái xe đạp vào điểm trường ở vùng khá xa quốc lộ. Những ngày đầu năm học, Tây Nguyên còn mưa rất nhiều. Người ta thấy cô lê lết dắt bộ chiếc xe đầy bùn và quần áo lấm lem mà không cho cô một ánh mắt thương hại thì thôi, ngược lại còn chỉ chỉ trỏ trỏ cười đùa. Một ký cà phê, tiêu, mủ cao su… ngày ấy đáng giá gần bằng lương hàng tháng của các cô rồi. Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm là câu nói kinh điển ở thời đại đó.
Cặp đôi hái cà phê Chè (Arabica) ở Lâm Đồng - Tác giả ảnh: Nguyễn Khánh Hoàng

Không rõ cô đã quen và yêu chú láng giềng trong hoàn cảnh nào, tôi chỉ thấy được rằng kinh tế gia đình cô vững nhất nhì xóm. Chồng của cô là công nhân trồng cà phê cho nông trường. Gạo, muối, xà bông tắm giặt, thức ăn, xăng xe chạy hằng ngày đều được trả bằng lương hàng tháng của cô. Còn cà phê ngoài rẫy và hồ tiêu có trong vườn được dùng để xây nhà, lo cho cha già mẹ ốm hai bên nội ngoại, mua sắm thiết bị học tập và chi phí học thêm ở trung tâm luyện thi đại học cho con. Khi con cái vào đại học, mẹ có lương khi nào thì chuyển tiền vào tài khoản của con khi ấy. Hai vợ chồng ở nhà trồng rau, nuôi gà để bớt phải đi chợ. Sau này, cả hai vợ chồng đều có lương hưu.

Cuộc sống như vậy có lẽ là hạnh phúc không gì bằng nhỉ? Nhưng thế hệ học sư phạm ra trường từ năm 2005 cho đến nay không mấy ai đủ cam đảm xây dựng hạnh phúc theo kiểu mẫu ấy nữa. Những cậu ấm cô chiêu như chúng tôi sinh trưởng trong gia đình chỉ có hai con. Mang tiếng bố mẹ làm nông nhưng bọn trẻ ở Tây Nguyên hầu như không phải đi làm rẫy. Quanh năm chỉ ăn, ngủ, chơi và học để đỗ đạt làm nghề sạch áo ráo tay. Chúng tôi không đủ tự tin sẽ chịu đựng được những mệt nhọc khi phụ giúp vợ/chồng của mình làm việc ngoài rẫy.

Mô hình gia đình có một người trồng cây nông sản, người còn lại là nhân viên trong cơ quan nhà nước dường như không được tôn thờ nữa. Thời thế đã khác…
Bà Rịa - Vũng Tàu, 18/11/2015
Tây Nguyên Xanh
Để xem các kỳ trước cùng seri này, các bạn bấm: Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4 , Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7 Kỳ 8, Kỳ 9, kỳ 10, Kỳ 11 , Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15 , Kỳ 16 

0 comments:

Post a Comment