Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, September 12, 2015

MỘT SÁNG MƯA DẦM


Trời mưa từ lúc nửa đêm chưa biết khi nào mới chịu ngớt. Đường sá lầy lội, tất nhiên! Uốn éo trong chăn ấm, hấp háy đôi mắt nhìn những dải sáng len lỏi từ góc tường vào. Ở đâu đó vang giọng đàn bà, bánh mướt đơi! Tự dưng thèm thứ bánh trơn trơn, giai giai, mềm mềm ấy. Nhại lại đúng ngữ điệu và giọng Bắc kia để gọi cô bánh mướt ơi. Giọng cô ấy dễ thương thật. Cái từ “bánh” được cô nhấn xuống như “bạnh” nhưng lại vớt hơi ở cuối nghe như “bánh”. Chẳng biết từ bao giờ mình thích cái lối phát âm theo biểu đồ hình chữ V như thế. Có lẽ vì vậy mà ngày xưa thầm thương trộm nhớ một anh chàng nói giọng Huế nhưng cái âm thoát hẳn như người miền Nam. Ô mê ly! Nghe nhỏ nhẻ, bùi tai thôi rồi.

Đang rửa bát thì nghe phía sau nhà có tiếng hát “Ta mang bao tội lỗi. Người ơi ta đâu còn chi. Xin hãy tránh xa kiếp đỏ đen”. Thằng bạn hàng xóm lấy vợ rồi sống ở trên phố, cô em của hắn đang học trong Sài Gòn. Còn mỗi đôi vợ chồng đang tuổi hồi xuân ở nhà. Trời mưa chưa biết khi nào sẽ ngớt nên hai vợ chồng chú hàng xóm ngồi ngêu ngao hát. Chồng hát bài Kiếp Đỏ Đen. Vợ hát những bài trữ tình kiểu như “chứ đi mô rồi cụng nhớ về Hà Tịnh”. Đến giờ nấu cơm trưa thì vợ hát, chồng xuống vo gạo. Xong rồi chồng lên hát tiếp và vợ xuống bếp xào đồ ăn. Cùng lúc đó, xa xa, cách khoảng năm nhà cũng có ai đó đang đòi cắt nửa vầng trăng làm con đò nhỏ đề chở hồn về với dòng sông quê hương. Những ngày mưa như thế này, các “tụ điểm” karaoke Chồng Ôm Vợ mọc lên như nấm.

Lon ton ra vườn hái chè vào “om nác chát”, dưới đất vang lên cái tiếng cực kỳ nhức óc. Chẳng biết đó là dế hay ve kêu mà kinh khủng như thế. Các cụ còn đồn thổi là rắn gọi bạn tình nữa cơ. Nó cứ kêu đến một giờ trưa vẫn chưa im. Bình thường nó chỉ kêu vào lúc hoàng hôn. Chắc do trời âm u xầm xì nên nó tưởng đang buổi chập tối. Cái loài gì mà lạ thế không biết. Nó làm nên âm thanh đặc trưng lúc xẩm tối của cả vùng nông thôn Tây Nguyên.

Ăn cơm trưa xong, trời hửng nắng nhưng vẫn nghe lộp độp nước rỏ từ mái hiên xuống. Ngoài kia, cây cà phê đang ra hoa trái vụ. Màu trắng li ti chen giữa bạt ngàn xanh. Tự dưng bị đánh đông bởi tiếng xe công nông chạy ngang ngõ. Có người đi bón phân đợt cuối cùng cho mùa mưa này. Một tháng nữa là đến mùa thu hoạch.
Ôi quê mình đất đỏ!
Buôn Ama Thuột, 12/9/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Tuấn Dũng


No comments

Friday, September 11, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 13. ĂN CƠM VỚI BƠ CHẤM NƯỚC MẮM

Tác giả ảnh: Trịnh Công Sơn
Đây là “nét đặc trưng” văn hóa ẩm thực của Tây Nguyên trong mùa mưa. He he. Tây không điêu đâu nhé. Bởi vì mùa bơ chín là mùa mưa. Sáng sớm mưa rơi rả rich, lười đi chợ nên ăn qua loa mấy thứ có sẵn trong vườn nhà cho nhanh. Đội cái nón lá ra vườn nhặt mấy quả bơ rụng dưới gốc vào chấm nước mắm và ăn kèm với cơm trắng thì tuyệt cú mèo. Các bạn ở ngoài khu vực Tây Nguyên đừng mơ mua được bơ rụng ngoài chợ nhé. Toàn bơ già hái trên cây rồi chờ đến ngày chin thôi. Chỉ những ai có cây trong vườn mới được nếm hương vị bơ rụng. Bơ thường chin từ cuống xuống sâu trong quả cho nên khi bắt đầu hường vỏ thì cuống mềm và đương nhiên rơi lộp bộp xuống đất. Quả rụng ấy để một hoặc hai ngày sau mới chin nục. Do trời mưa, nông dân nhác ra vườn nên nó rụng rồi chin trên mặt đất mấy ngày nhưng không biết. May mà nhặt được khi chưa có con gì ăn vụng mất. he he.

Có bạn hỏi ăn với nước mắm thì như nào được. Chắc bạn thấy bơ gần như chỉ dầm nát với đường để làm kem hoặc ăn trực tiếp trong ly sinh tố thôi. Cái món bơ chấm nước mắm này ấy mà, chẳng ai lại dầm cho nát bét đâu. Lột vỏ bơ ra, lấy thìa xắn từng cục nhỏ xíu và trờ qua nước mắm rồi xơi kèm cơm. Ái chà, nước mắm cá cơm nhỉ từng giọt đỏ ong mà ăn với bơ thì thôi đi, cứ phải gọi là béo trục béo tròn. Mà thật, xong mùa trái cây, Tây Nguyên Xanh của các bạn nom ú ụ hẳn lên.

Lúc Tây gõ bài viết này thì mùa bơ của năm 2015 đã thực sự kết thúc rồi. Các loại quả khác cũng đang mót những trái sau cùng trên cây. Mùa trái cây Tây Nguyên kết thúc nghĩa là sắp đến mùa cà phê. Mùa của nguồn sống cho năm tiếp theo!
Buôn Ama Thuột, 11/9/2015
Tây Nguyên Xanh
Các bạn muốn xem các kỳ trước thì bấm vào các nút sau: Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4 , Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7 Kỳ 8, Kỳ 9, kỳ 10, Kỳ 11 , Kỳ 12
1 comment

Wednesday, September 9, 2015

SỰ TÍCH HAI LẦN THAY ĐỔI HÌNH DÁNG CỦA CÁC LOÀI VOỌC

Voọc Chà Vá Chân Đen - Tác giả ảnh: Tang A Pau
Ngày đó, loài Voọc nói chung đều có màu trắng như tuyết. Chúng có vóc dáng eo thon, nhỏ gọn lắm. Cuộc sống của chúng suốt ngày nhảy nhót, chuyền cành, ăn uống và chải lông cho nhau. Bình yên đến lạ. Nhưng rồi địa bàn kiếm ăn của chúng luôn bị lăm le xâm lấn bởi các loài khác. Kẻ lạ mặt muốn giết những con cái đang có thai để không có con được sinh ra nữa. Mỗi một con non xuất hiện nghĩa là có thêm một kẻ tranh giành thức ăn mà. Những con đực vô cùng lo lắng. Chúng họp bàn với nhau rất căng thẳng. Cuối cùng chúng đưa ra quyết sách là phải làm sao mọi con trong đàn đều có bụng tròn to như đang mang thai thì may ra bảo vệ được giống nòi. Chúng cử một con có khả năng xin xỏ giỏi nhất lên cầu cứu Thượng Đế. Tất nhiên, với lòng từ bi của Ngài, loài Voọc đã được phù phép cho ai nấy trong đàn đều bụng to như có chửa. Nhưng cái giá của cuộc xin xỏ này là mãi mãi các thế hệ sau đều có bụng to vượt mặt. Ngày có một con cái trong đàn sinh nở, cả đàn Voọc ít reo hò chạy nhảy cũng vì thế. Chúng hồi hộp theo dõi động tĩnh, chúng sợ kẻ thù phát hiện sự gian dối này.
Voọc Chà Vá Chân Nâu
Những tưởng như thế là thoát nạn, ai ngờ các đàn voọc lại gặp cái họa kinh hoàng hơn nữa. Nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm mà kẻ thù lại lớn mạnh, ranh mãnh hơn rất nhiều. Loài Voọc phải tìm cách thoát khỏi bủa vây của kẻ thù để đến khu rừng mới. Hỡi ôi, cứ thấy con nào đuôi dài, bụng to, lông màu trắng là những kẻ khát máu tóm lấy và ăn thịt. Chẳng biết loài nào đồn thổi rằng thịt của bọn Voọc rất ngon nên mới gây ra song gió ấy. Thêm một lần nữa, các con Voọc phải bày mưu tính kế với nhau. Chúng quyết định đổi màu lông. Mỗi đàn cử một đại diện lên xin Thượng Đế cho đàn của mình mang một màu lông nào đó. Thượng Đế bảo mỗi một hộp sơn không đủ để bôi hết bộ lông cho tất cả. Thế nên cả bọn phải biết chia nhau. Ngài còn dặn rằng loại nước sơn này hễ chạm vào đâu thì ở đó mãi mãi mang màu ấy luôn nên phải tô vẽ cẩn thận.
Voọc Chà Vá Chân Xám - Tác giả ảnh: Nguyễn Thị Tiên/Hoàng Minh Đức
Ba con đầu tiên tự trang điểm trước. Chúng có màu lông sặc sỡ và loang lỗ nhiều màu nên được gọi là Chà Vá. Nhưng chân thì ba con mang ba màu: đen, nâu đỏ và ám. Mặt cũng có vài chi tiết tỉ mỉ khác nhau. Bọn chúng sống gần cây với nhau nên muốn màu lông na ná để sau này tìm nhau cho dễ. Từ đó có ba loài Voọc Chà Vá Chân Nâu, Voọc Chà Vá Chân Đen và Voọc Chà Vá Chân Xám.
Voọc Đen Gáy Trắng (Voọc Hà Tĩnh) - Tác giả ảnh: Ch'ien C/Lee
Có ba con Voọc khác, thấy ba đứa kia vẽ màu có vẻ ổn. Chúng liền học theo. Chúng lóng ngóng thế nào mà để hộp sơn màu đen bị bắn tung tóe. Bọn chúng hốt hoảng ôm đầu. Toàn thân chúng đen trũi, chỉ có chỗ nào có bàn tay che mới có màu trắng thôi. 
Voọc Đen Má Trắng - Tác giả ảnh: Robert Picket
Cái con ốp tay vào che má và tai là Voọc Đen Má Trắng. Còn con vòng tay ra tận sau gáy và hai cánh tay ép chặt má nên toàn thân chúng đen thui nhưng má và gáy trắng. Nó có tên là Voọc Đen Gáy Trắng (Voọc Hà Tĩnh). 
Voọc Đầu Trắng (Voọc Cát Bà) - Tác giả ảnh: Lê Khắc Quyết
Lại có con ôm đỉnh đầu nên toàn thân đen nhưng đỉnh đầu trắng. Nó là Voọc Đầu Trắng (Voọc Cát Bà)
Voọc Mông Trắng - Tác giả ảnh: Trần Tuấn
Lại có chuyện buồn cười thế này. Một con Voọc nọ hoảng loạn quá vì không ưa màu đen tuyền. Nó sợ về mấy thành viên trong đàn ghét bỏ vì ảnh hưởng màu sắc giống nó. Nó nhảy loạn xạ lên và bị vấp phải chân con khác nên bị lăn mấy vòng cuốn mông vào vải rèm cửa Thiên Đình. Thế là toàn thân nó đen thui nhưng mông trắng tinh. Nó là ông tổ của loài Voọc Mông Trắng (Voọc Quần Đùi Trắng).
Voọc Mũi Hếch Lưng Đen - Tác giả ảnh: Lê Khắc Quyết
Các con còn lại rút kinh nghiệm từ mấy con kia. Chúng cẩn thận lấy sơn màu hồng tô làn môi cho thắm trước. Nhưng do vẽ vụng về nên con nào con nấy nom mồm mũi chếch hếch, vui mắt lắm. Sau đó, chúng nhường nhau số sơn màu còn lại. Cho nên ngày nay có các loài Voọc Mũi Hếch (có lưng đen bụng trắng),
Voọc Mũi Hếch Đen (đen toàn thân), 
Voọc Mũi Hếch Đen - Tác giả ảnh: Xi Zhi Nong
Voọc Mũi Hếch Vàng,
Voọc Mũi Hếch Vàng - Tác giả ảnh: David Blank
 Voọc Mũi Hếch Xám. 
Voọc Mũi Hếch Xám - Tác giả ảnh: Cyril C. Grueter
Có một con tô môi đẹp hơn, bớt hếch hơn nên được gọi là Voọc Xám
Voọc Xám
Mọi chuyện đã xong xuôi hết thảy. Tất cả định tạ ơn Thượng Đế để ra về thì bỗng một con Voọc lông hãy còn trắng tinh hét lên rằng con chưa được tô màu. Và nó khóc hu hu như thể chỉ cần xuống hạ dưới là chết ấy. Thượng Đế giận dữ hỏi vì sao chưa tô? Nó nói vì mải mê suy nghĩ mình nên chọn màu gì cho phù hợp nên bị tranh hết màu. Thượng Đế đành bảo nó đổ nước vào tráng hộp sơn đen rồi lấy thứ nước ấy vẩy lên người là xong. Vì sơn loãng quá nên màu lông nó hơi bạc. Nó là tổ tiên của Voọc Bạc Đông Dương.
Voọc Bạc Đông Dương - Tác giả ảnh: Tang A Pau
Nhờ màu lông đã khác nên bọn chúng có thể di cư đến các khu rừng để kiếm ăn. . Có một chuyên gia nghiên cứu các loài Linh Trưởng nói rất hay rằng sinh vật không có hộ chiếu. Thế nên không phân biệt loài Voọc ấy có ở Việt Nam hay không. Cứ thấy Voọc là chúng ta bảo vệ các bạn nhé.

Buôn Ama Thuột, 9/9/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments