Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, October 1, 2015

NHỮNG NGÀY SỐNG Ở QUY NHƠN (Hồi ký) - Kỳ 2: TIẾNG CÚ ĐÊM


Ô, té ra cái con hay kêu eng éc ở trên nóc nhà ký túc xá C4 (đại học Quy Nhơn) có hình dáng như này. Đẹp vậy trời! Tiếng kêu nghe ai oán và pha chút khiêu khích. Nó gợi cảm giác khản khắt trong cổ họng như sau khi hét to. Nó kêu như mời gọi những ai có tâm sự thầm kín hãy nói hết ra, tỏ hết lòng và sống hết mình. Nó là “nữ hoàng âm thanh” của bóng đêm. Hai năm đầu ở ký túc C1, mình không nghe (có thể là do không để ý) tiếng kêu con này. Nhưng mà hai năm cuối ở C5 thì tối nào cũng có cảm tưởng như nó đậu trên ký túc xá C4 (trước mặt C5) gọi bạn tình rồi bay dạo quanh căng tin rồi mới bay xa lên núi. Nó kêu gần lắm, tưởng chừng như chỉ cần mở cửa phòng ra là thấy nó đậu ở lan can cơ.

Khổ thân em nó. Đẹp như thế nhưng người Việt Nam sợ vãi đái khi nghe tiếng của em ấy. Ngồi trong cái rạp đám tang, nhiều người Việt hay có kiểu vỗ đùi đánh đét rồi kể đêm qua tui có nghe tiếng cú lợn là tui lo rồi. Người Việt tin rằng cú lợn chuyên báo điềm gở. Vậy nên hồi mới nghe tiếng của nó ở Quy Nhơn, mình thấy rờn rợn. Các bạn ở Khánh Hòa, Phú Yên nói đừng có sợ, chim này đêm nào chẳng kêu trong thành phố ven biển. Sự mê tín này còn được dựng thành một cảnh trong phim Việt Nam nữa kìa. Chẳng nhớ tên gì nhưng đại thể nội dung là hai vợ chồng nhà báo đi tác nghiệp ở xa. Bỗng dưng thấy con cú đậu ở gần chỗ trọ. Họ cầm sào đi rượt đuổi cú. Sau đó người vợ nôn nao bất an. Phim này làm trước năm 2000, chiếu khi VTV1 còn có lịch phát sóng phim Việt lúc 10h sáng.

Mình cứ tưởng loài cú chỉ sống ở rừng thôi nên không tin rằng ở phố biển lại nghe tiếng nói “hót” (Nó cũng là chim mà, mắc chi ám cái từ “kêu” cho nó vậy?!) Chuyên gia nghiên cứu sinh vật Tăng A Pẩu có giải thích trên Facebook rằng nó bay về thành phố để bắt chuột. Nó có ích đấy chứ nhỉ? 
Buôn Ama Thuột, 1/10/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Tang A Pẩu
Các bạn xem lại kỳ 1 thì bấm vào:  Ở đây 
No comments

Wednesday, September 30, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - KỲ 16: NÔNG DÂN ĐI MÁY BAY

Tác giả ảnh: Duy My
Sáng nay chở ba lên sân bay Hòa Bình. Mình thích tên cũ này của cảng hàng không Buôn Ma Thuột hơn. Ngồi chờ đến giờ bay, nhìn lơ láo xung quanh, mình thấy có một vài khuôn mặt da ngăm tương phản với bộ quần áo không mới những cũng chẳng cũ, hình như bộ ấy ít được mặc. Nom họ có vẻ đang chịu nỗi mất mát nào đó ghê gớm lắm, có lẽ là về chịu tang. 
Tác giả ảnh: Nguyễn Lương Ký
Ở cái xứ Tây Nguyên này, nông dân đi máy bay không phải hiếm, nhưng đa số lần đầu tiên được cưỡi “con chim sắt” là khi cần về cho kịp nhìn mặt người thân lần cuối. Thế nên, hễ nghe ai đó nói nhà nọ nhà kia có người mới bay về quê là cả xóm rợn gáy xôn xao. Nếu không phải tin buồn, những người chưa đi thì ước được một lần thử, người đi rồi phẩy tay, bảo ôi xời, nhìn xuống thấy mây trắng tinh chứ có gì hay đâu, được cái là chuẩn bị lên máy bay điện cho người nhà ngoài kia đi đón, xuống sân bay phải chờ một lúc mới thấy người đến, chưa hịp say xe đã tới nơi rồi, sướng!
Tác giả ảnh: Duy My
Vì một chữ “sướng” ấy mà đại lý bán vé máy bay ở Tây Nguyên dạo này ăn nên làm ra. Người Tây Nguyên hiện nay đa số có gốc gác từ miền Bắc và miền Trung. Vé xe khách về quê khá đắt. Nếu như thêm một ít tiền mà được đi nhanh và về khỏe hơn thì tội gì người ta không đặt vé máy bay khứ-hồi. Vé được đặt cách thời điểm bay hơn nửa năm. Như ba mình chẳng hạn, sáng nay bay nhưng đặt vé từ sau tết Nguyên Đán mấy ngày.
Nông dân ở Tây Nguyên thường đi máy bay của hãng này - Tác giả ảnh: Nguyễn Lương Ký
Có một cái lệ bất di bất dịch, đó là chuẩn bị về thăm quê thì phải khoe cho láng giềng cùng quê biết. Ngày xưa, nếu ai về quê thì cả xóm nhờ chuyển một gói mì chính (bột ngọt) hoặc dăm ký cà phê bột. Vì di cư cùng một lúc và ở gần nhau nên khi trở vào, người về ấy lại mang bao tải chứa lỉnh kỉnh đủ thứ quà từ ngoài quê gửi vào cho… cả xóm. Bây giờ, người ta vẫn khoe mình sắp được về quê nhưng phải nói luôn là đi máy bay để không ai gửi quà cồng kềnh. Mà nay, người ta gửi tiền về quê qua tài khoản ngân hàng hoặc nhờ trao tiền tận tay các cụ già thôi chứ ít thèm thuồng đặc sản quê nhà nữa. Bởi vì… chợ ở Tây Nguyên thiếu gì!
Tác giả ảnh: Duy My
He he, Nông dân đi máy bay sao mà lắm chuyện bi hài thế. Viết bài này không phải để tị nạnh với những người thường xuyên đi máy bay, chỉ là để cho các bạn gần xa hiểu tâm lý và mức sống ở Tây Nguyên như thế nào. Từ chuyện đi máy bay, các bạn có thể hình dung kinh tế của một gia đình nông dân ở Tây Nguyên đang ở mức cao hơn nông dân vùng chiêm trũng nhưng đầy đủ tiện nghi như người làm ngành dịch vụ ở các thành phố lớn thì không.
Buôn Ama Thuột, 30/9/2015

Tây Nguyên Xanh

    Để xem các phần trước của seri này, các bạn bấm vào: Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4 , Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7 Kỳ 8, Kỳ 9, kỳ 10, Kỳ 11 , Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15


No comments

Tuesday, September 29, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - KỲ 15: CHỞ CỦI VỀ NHÀ


Tây Nguyên có hai mùa, mùa khô và mùa mưa thì chúng cũng tương ứng với hai mùa củi: Củi cà phê và củi muồng. Nhiều loại cây nông sản khác có thể cho củi để đun nhưng nổi trội nhất vẫn là hai loại củi ấy. Riêng muồng Đen không phải là cây nông sản, mà là cây được trồng để chắn gió và ngăn bức xạ nhiệt gây sương muối ở rẫy nông sản. Chính loại cây này đã dẫn dụ hàng tỷ con bướm Chanh Di Cư hằng năm đến với vùng nông thôn Tây Nguyên sinh sản vào cuối mùa khô.

Mùa mưa, nước nhiều nên muồng phát triển rất nhanh. Người ra phải chặt tỉa bớt cành để khỏi rợp bóng, ảnh hưởng đến việc quang hợp của các loại cây nông sản. Giữa mùa khô hằng năm, người ta chặt bớt cành hoặc nhổ những cây cà phê kém chất lượng để trồng cây mới vào mùa mưa. Tuy củi muồng không có giá bằng củi cà phê nhưng nhà nào cũng có mấy đống củi xếp ngay ngắn dựng ở hàng rào. Nhưng nếu xét trên phương diện gỗ thì một cây cà phê 25 năm tuổi giá cao nhất chỉ ba trăm nghìn đồng, còn gỗ của muồng từng ấy năm tuổi đắt gấp mấy lần. Lý do là củi cà phê cháy lâu, nhiệt lượng lớn, tro ít bay theo ngọn lửa nên sạch bếp hơn củi muồng. Còn gỗ muồng có thể cưa ra làm ván được nhưng gỗ cà phê chỉ có thể tạc đồ mỹ nghệ.

Nhà mình, mỗi năm chỉ dùng hai bình gas vì hầm canh hoặc nấu nước sôi đều đun bằng bếp củi. Các hộ gia đình ở vùng này đều như thế. Bếp gas chỉ dùng để xào đồ ăn. Củi lấy từ rẫy về trong một năm đủ xài cho hai năm tiếp theo. Vì thế, nhiều chủ rẫy rong muồng xong thì kéo củi ra bìa rẫy chứ không đem về. Anh em dân tộc thiểu số thường lái xe công nông chạy sâu vào trong các rẫy để nhặt củi về đun. Hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số còng lưng gùi củi, bước nặng nề sau đàn bò cũng thưa thớt dần.

Tây Nguyên đang bước vào những ngày cuối cùng của mùa củi muồng. Nhất là những vùng chuyên canh cà phê. Họ làm gấp rút để dồn lực cho mùa thu hoạch cà phê đang đến.

Buôn Ama Thuột, 29/9/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh

Ảnh: Dương Thành Lê

Muốn xem các kỳ trước thì các bán bấm vào: Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4 , Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7 Kỳ 8, Kỳ 9, kỳ 10, Kỳ 11 , Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14


No comments

Monday, September 28, 2015

GHEN THỜI CÔNG NGHỆ

    
     Mới đi ăn cưới về, liêng biêng trong người rồi nên hẳn thích ngồi bệt trên thềm và từ từ tháo giày. Hắn chống tay lên đầu gối ngắm mọi thứ một cách vô định. Bỗng dưng vợ ở đâu xộc ra cửa hỏi lớn, sao anh xóa lịch sử duyệt web của em? Hắn cãi anh đâu có xóa. Vợ hắn lại càu nhàu bảo hôm qua anh mượn laptop của em một buổi tối, sáng nay em tìm lại trang hôm qua vô tình có được nhưng không còn nữa, anh có gì bí mật sợ lộ phải không? Anh sợ em tìm ra Facebook của anh hả? Anh đâu có, em đừng có mà nghĩ linh tinh, hắn nói thế nhưng bụng thầm nhủ “hôm qua đăng nhập rồi ông mới nhớ là quên bấm tổ hợp phím Ctrl + Shift + N nên mới phải xóa hết nhá”. Nghĩ thế nhưng hắn vẫn cãi và vợ hắn vẫn hằn học. Tức quá, hắn nổ cho nàng một cái tát. Nàng khóc um lên. Hắn mặc kệ, lên giường ngủ cho sướng ông người.
***
     Có tiếng réo mẹ ơi, con muộn học rồi của thằng con. Mẹ nó quát, đi mà bảo bố mày chở. Trong lúc mơ màng, hắn nghe loáng thoáng như thế. Hắn mở mắt ra nhìn xung quanh, thấy vợ đang có kiểu đứng rất kinh trước cửa phòng. Nhắm nghiền mắt và nhớ lại cú tát hôm qua, hắn tự hỏi mình phải làm gì bây giờ, nó mà làm căng thì một tháng thăm con hai lần chứ đùa đâu. Thôi đùn đầy cho bia bọt để gỡ gạc vậy. Hắn ngọt nhạt bảo em ơi, lấy cho anh cốc nước. Đương nhiên vợ hắn không rót cho rồi, còn bồi thêm câu tát người ta được thì tự rót được, đây không rảnh. Ha ha, có cớ mở miệng rồi đây. Hắn hỏi một câu như người trên trời rơi xuống, ối ồi ôi, hôm qua anh làm như thế thật á. Chết chết, bia rượu vào cái là hỏng người ra. Anh chẳng nhớ gì cả. Thôi, từ lần sau, em đi ăn cưới thay anh nhé. Đồ ăn đám nào cũng ớn như đám nào mà chỉ hư cánh đàn ông chúng anh thôi.

     Vợ hắn vẫn cay cú lắm nhưng tạm tin là con ma men tát nàng chứ hắn thì có mà dám. Nhưng cái vụ tài khoản Facebook của hắn phải truy cho ra mới được. Bà sẽ có cách, nàng thẩm nhủ thế. Ô, hắn trót lọt vụ này ngon ơ vậy đó. Tuy nhiên hắn vẫn lo lo.
***
Đang vắt chân chữ ngũ, tay bấm chuột nhấn nút like và gõ lạch cạch trả lời bình luận, tự dưng thằng cu con chạy đến mang cho hắn ly chè đậu xanh mát lạnh. Hắn cuống lên, cứ tưởng vợ nhưng may là không phải nên chẳng đề phòng gì. Tất nhiên hắn chẳng cho con nhìn rõ vào màn hình máy tính rồi. Để người nhà biết mình bỗ bã trên Facebook, nhiều cái không hay.

Một lúc sau vợ hắn hốt hoảng chạy lên phòng bảo anh ơi, máy em hết pin mà cục sạc em để ở cơ quan rồi. Anh cho em mượn tài tài liệu và gửi mail gấp cho sếp với. Hắn xóa lịch sử duyệt web (tất nhiên!) rồi đưa máy cho vợ, yên tâm đi xem tivi. Còn nàng?

Nàng ta vẫn bật phần mềm Microsoft word lên để gõ văn bản. Đợi hắn đi rồi, nàng hồi hộp bấm Ctrl+V. Trong khi con chuột đang quay mòng mòng, tim nàng đập nhanh lắm. Nàng suýt nữa hét toáng lên a, Facbook của hắn đây rồi. Nàng ranh mãnh thật. Nàng nấu một nồi chè thật ngon. Đứng ở xa xa, nàng thấy hắn vừa bấm vào trang Facebook của hắn. Trước khi sai con bưng lên cho chồng, nàng dặn con bấm nút “Prt Sc Sys Rq” (chụp màn hình) khi bố đang ăn chè, nhắc đi nhắc lại là nút thứ ba từ phải sang, hàng trên cùng. Thằng con làm y lời mẹ nên nàng chỉ cần dán vào Word hoặc Paint là xem được màn hình khi ấy. Nàng gửi vội bản word vào trong mail và xóa nó trong máy. Nàng đã sẵn sang đánh ghen trên mạng!
***
Nàng lập ngay một Facebook mới và gõ đường link có trong ảnh, ra luôn trang của chồng. Nick của hắn hay phết: “Ba Ba Lât Ngửa”. Cả đêm nàng đọc văn của chồng và tìm hiểu cách viết của những bạn hay tương tác với hắn. Nàng nhái kiểu viết của họ về môt vấn đề ất ơ nào đấy đang om sòm trên báo, tỏ vẻ ta đây cũng có chính kiến lắm. Xong rồi mon men kết bạn với tất cả những ai like các status gần đây của chồng. Đồng thời nàng dùng Facebook vốn liên lạc với bạn bè trong cơ quan để chặn chồng. Lỡ chồng đổi tên thì mở mục chăn ra xem tên mới của hắn là gì.

Nàng thấy có nick Hương Yêu (giới tính nữ) có vẻ siêng còm và like cho chồng. “Chúng nó” có vẻ thân thiết và hiểu nhau lắm. Bỏ mẹ, khả năng dính chưởng với con này rồi nên đêm nào cũng chong đèn lướt mạng đây. Nàng âm thầm theo dõi kết hợp với hỏi thăm bạn chung về hai nick Ba Ba Lật Ngửa và Hương Yêu để tìm chứng cứ. Nàng ghen lắm rồi đấy.

Bỗng một ngày mưa gió, Hương Yêu đăng cái ảnh có nội dung cuộc chat rủ hẹn hò, kèm mấy câu chú thích ảnh: “Giá mà mình là đàn bà để cho anh ấy một lần lên mây. Há há, thật là tâm tư quá đi!”.


Ơ, té ra Hương Yêu là trai giả gái à? Nhẽ chồng nàng là gay? Đêm ấy nàng kiểm tra độ menly của chồng. Kết quả…..vẫn “xài” tốt! Thế thì cớ làm sao? Hu hu, ghen vu vơ rồi! Facebook hại não quá à.
Buôn Ama Thuột, 28/9/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa
No comments