Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, January 3, 2015

HÀ NỘI LẶN LỘI VÀO TÂY NGUYÊN

   Mình có một cái tật không sửa được, ấy là khi nói chuyện với bạn trên mạng, dù trai hay gái thì đều gọi Bác xưng Em. Đến khi thấy ảnh thật của họ, nếu tóc còn đen ngòm thì gọi Anh gọi Chị xưng em, tóc muối tiêu thì gọi bằng Chú bằng Cô xưng cháu, tóc bạc trắng thì gọi Bác xưng cháu. Tuyệt nhiên không gọi ai bằng ông bằng bà. À có chứ, nhưng ấy là lúc buông lời lếu láo tếu táo trêu ai đó khá thân. Sau vài ba tháng tương đối thông thuộc cách chơi và thấy “hợp Gu” thì rón rén chát chít với nhau vì một sự kiện gì đó. Sau cuộc chát khơi mào, hai bên bắt đầu hỏi tuổi tác của nhau để tiện xưng hô cho đúng mực. Lắm khi dở khóc dở cười khi biết thông tin thật của nhau. Thế rồi méo miệng sửa lại mọi thứ, có khi để im luôn.
Tác giả ảnh: Trần Kim Oanh
   Quen nhau trên Facebook – cái nơi mà người ta vẫn bảo ảo nhiều hơn thật. Hơn sáu tháng đọc văn và xem ảnh của nhau rồi mới đủ độ tin tưởng chát chít với nhau. Ban đầu gọi Chị ơi ngọt như nước dừa, đến khi biết “chị” có cậu con trai bằng tuổi mình thì lật đật chữa lại là Cô ơi. Mấy ngày nghỉ lễ này, cô có dịp “phượt” Buôn Ma Thuột cùng gia đình. Thế là gặp nhau. Cảm động lắm luôn. Đã không có điều kiện đón cô ở sân bay Hòa Bình (thích cái tên cũ này hơn) rồi lại còn để cô phải tự thuê xe tìm đường xuống huyện uống cà phê với mình. Dẫu biết rằng cô đã phượt thì chuyện đi lại không thành vấn đề nhưng...cứ thấy áy náy thế nào ấy.
Tác giả ảnh: Trần Kim Oanh
Được người thủ đô đến tận nơi xa phủ xa tỉnh thăm mình đã là cảm động lắm rồi. Đằng này lại còn được hai túi quà to uỳnh nữa chứ. Cô đã phải năn nỉ suýt gãy lưỡi thì người bạn của cô mới chịu cho cuốn Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam do giáo sư Đỗ Tất Lợi viết. Đúng như thể loại sách mà mình ao ước. Lâu lâu đau bụng nhức đầu, các cụ già hay phán uống cây này lá nọ chứ thuốc Tây mà làm gì. Đọc cuốn này không mong sẽ trở thành thầy lang, chỉ mong có cơ sở để cãi lời các cụ. He he. Tây Chống Đối mà lị. Đọc 15 trang đầu tiên mà thấy ưng cái bụng lắm luôn. Sách nói tỉ mỉ về từng cây thuốc dưới lập luận của y học hiện đại. Đọc sách với tinh thần tìm hiểu thành tựu của sự giao thoa giữa Đông Y và Tây Y thì hoàn toàn có thể hiểu được. Đọc để thêm mến những loài mang lại màu xanh cho trái đất và là bạn đời của nhân loại.
   Cô trao tận tay cả những cuốn văn học cổ điển phương Tây và văn của những tác giả nổi tiếng ở Việt Nam mà mình nghĩ từ từ mai này công việc ổn định sẽ tìm đọc sau. Mình cũng như nhiều người khác luôn biến mình thành “thợ kiếm tiền” và chỉ đọc những cuốn sách nào phục vụ cho công cuộc mưu sinh, sách văn học là dành riêng cho mấy gã làm chính trị cần đọc để có vốn sống mà nắn gân thiên hạ thôi. Không nghĩ rằng đọc sách văn học cũng là một hình thức hưởng thụ cuộc sống. Hình như vì những đứa như mình mà ngành xuất bản phải loay hoay tìm xu hướng thị hiếu của công chúng, người tham gia lễ hội truyền thống chủ yếu là...các nhiếp ảnh gia. Sau khi gặp cô, càng thấm câu nói của nhà báo Lê Minh Quốc rằng: “Sách bị lãng quên không phải do lỗi của nhà văn mà do người đọc. Viết xong một tác phẩm thì nhà văn đã làm xong sứ mệnh lịch sử của họ rồi. Độc giả phải tìm đọc những tác phẩm văn học cổ điển để biết người xưa yêu nhau như thế nào. Tình yêu thì muôn đời vẫn vậy nhưng ở những điều kiện sống khác nhau thì có những bi hài kịch khác nhau”. Nhờ có cô mà cháu có dịp sửa cái sai mà nhà báo Lê Minh Quốc đã chỉ ra.
   Hai ngày cô đến, trời Buôn Ma Thuột không chiều lòng người nên có lẽ cô không chụp được nhiều ảnh ưng ý. Hẹn gặp lại cô nhé. Cô cháu mình sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh đẹp hơn cô nhé. Cảm ơn người Hà Nội lặn tội đến với cháu gái Tây Nguyên Xanh nhé.
   Viết khi đang ăn bánh cốm cô đem từ Hà Nội vào và uống nước chè xanh trồng trên đất Tây Nguyên.
Dak Lak, 3/1/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Friday, January 2, 2015

CÓ NHỮNG ÔNG BỐ

Tác giả ảnh: Nguyễn Hà
   Hôm qua bạn lấy chồng, đêm tân hôn bạn viết: “Trước giờ con cứ nghĩ bố là người mạnh mẽ, ngày vui của con, bố đã đưa con về tận nhà chồng. Nhìn.bố khóc mà con chỉ muốn leo lên xe của nhà gái đi về”.Có lẽ lúc ấy tâm trạng của bố bạn buồn vui lẫn lộn. Khi con người ta không biết biểu lộ chính xác cảm xúc của mình thì họ sẽ khóc.
   Có một ông bố đang chờ đến ngày ra tòa ly hôn sau hai năm cố hàn gắn hạnh phúc. Ông bố ấy tâm sự rằng bé chưa đủ 36 tháng, nó nghiễm nhiên thuộc về mẹ nó, anh thua rồi em ơi. Tôi hình dung người bố ấy khóc vì nhớ con gái bé bỏng.
   Có một ông bố đơn thân nuôi hai đứa con gái. Dân xây dựng nên bôn tẩu khắp nơi theo công trình. Nhưng hàng tuần, ông bố ấy vẫn cố gắng về Hà Nội với con dù chỉ được vài giờ đồng hồ rồi lại đi.
   Có một ông bố mất con gái vì bạo bệnh cách đây mấy tháng. Cái dáng vẻ bình tĩnh nhưng xác xơ tiều tụy ấy khiến cho người ta hình dung ông bố đó vừa khóc vừa chạy đua với quỹ thời gian lúc còn sống của con gái.
   Có một ông bố rát bỏng lòng mỗi khi những thằng cò mồi xin việc đến nói kháy rằng anh chị định không cho con gái lấy chồng à. Thời buổi này phải có việc làm mới có chồng được. Cứ đưa hồ sơ cho bọn em, đảm bảo có việc ngay. Giá hơi cao anh chị nhé. Bố xót con nên run run đem giấy tờ nhà đất đi thế chấp vay tiền ở ngân hàng để đưa tiền đặt cọc cho chúng nó cả trăm triệu bạc. Hằng đêm ông bố ấy vẫn len lén xem con gái có ngủ ngon không. Bố sợ đứa con gái ấy tuyệt vọng mà tự sát.
   Có một ông bố là “ông quan văn nghệ”, Văn nghệ sĩ mà, nhạy cảm đến từng thớ cảm xúc trong tâm hồn. Nhà chỉ có hai bố con. Con gái đi học ở xa. Gió hơi lạnh một tí thôi là ông bố cầm máy điện thoại gọi cho con hỏi đã mua áo khoác, khăn, mũ...chưa. Con gái mải vui vẻ với bạn bè, trả lời gọn lỏn mấy câu rồi cúp máy. Bố lặng lẽ nép mình ở góc phòng và làm bạn với khói thuốc lá.
   Có một ông bố chở vợ đi khám thai đứa thứ hai. Thời đại này họ cấm nói giới tính của trẻ trong bào thai nên ông bố hồi hộp dúi một tờ tiền vào tay bác sĩ siêu âm để biết là trai hay gái. Nghe tin là con gái. Người bố ấy sung sướng nhảy cẫng reo lên thế là ta có đủ cả nếp lẫn tẻ. Thời điểm này, “hắn” đang chăm vợ và thì thầm qua cái bụng tròn tròn kia rằng ra nhanh cho bố bế con nhé.
   Có một ông bố hân hoan đăng một câu gọn lỏn trên facebook là đang chờ đón con gái về nghỉ lễ.  Đón con mà không khí cứ như thể đi đón vàng đón bạc. Dễ hiểu thôi, con gái là vô giá mà.
   Có một ông bố nghe tin con gái sắp sinh nở. Ông hồi tưởng lại cảnh vợ đã sinh đứa con gái ấy như thế nào. Ông sợ con gái không chịu nổi cơn đau như thế. Ông bố ấy lo...Ông càng lo hơn vì cái sự đỡ đẻ dễ gây chết người trong thời gian vừa qua
   Có một ông bố rất cáu tiết khi con rể xúc phạm mình nhưng vẫn phải ngọt nhạt với nó vì sợ con gái bị thằng chồng trút giận.
   Bố ơi!
Buôn Ama Thuột, 2/1/2015
Tây Nguyên Xanh
4 comments

Thursday, January 1, 2015

CHÈ SUỐI GIÀNG

Đầu năm mời các bạn uống chè Suối Giàng ở Yên Bái nhé. Đây là loại chè cổ thụ, mọc thành rừng và rất thơm. Thương hiệu trà Suối Giàng không thua kém bất kỳ sản phẩm trà nào trên thị thường. Uống chè đi các bạn, để cho đồng bào H'Mông ở Yên Bái có thêm thu nhập. Họ sống nơi đầu sóng ngọn gió, ngàn đời nay, cái họa Phương Bắc họ gánh trước tiên. Chùm ảnh của tác giả Thiện Đức











Buôn Ama Thuột, 1/1/2015
Tây Nguyên Xanh
1 comment

Wednesday, December 31, 2014

TÌNH GIÀ

Tác giả ảnh: Trương Minh Nhật
   Trước ngõ có một bà cụ tản cư từ Bãi Sở nghe nói nơi này ở huyện Tương Dương, Nghệ An. Cụ vốn là người Nam Yên (nay là xã Xuân Hòa, Nam Đàn, Nghệ An) nhưng lấy chồng và lên miền ngược sống. Rồi theo lệnh giãn dân, cụ cùng chồng dắt díu con cái vào Tây Nguyên làm cà phê và xác định chết ở nơi này luôn. Bảy mươi ba mùa rẫy trôi qua nhưng “đồi núi” của cụ vẫn nhấp nhô. Da cụ tuy đã có đồi mồi, tọc đã bạc lắm rồi nhưng đôi chân vẫn rắn rỏi lắm. Ngày ngày đi uống nước chè xanh trong hội Nác Chát của xóm. Chuyện gì cũng biết tuốt tuồn tuột. Dạo này thấy cụ hay ra ngõ, tay vuốt cành chè như đang phủi bụi mà mắt cư lơ lơ láo láo đảo quanh. Cụ cứ đứng thế cho đến khi một cụ ông tóc cũng hiếm sợi đen đạp xe tới.
   Lúc này cụ bà bỗng hì hụi xới đất, vặt cỏ, hốt lá cành khô dưới gốc chè. Ông cụ hỏi gì bà cũng nín thinh và làm lơ. Ông cụ vào uống ngụm nước chè xanh rồi về. Sáng cũng như trưa và xẩm tối, ngày ba cữ họ gặp nhau. Có con ở nhà thì ông cụ về sớm, con cháu đi làm thì cụ ngồi lâu hơn. Chẳng biết nói chuyện gì mà cũng gần cả buổi. Ông cụ vốn sống với con cháu ở Đức Thọ (Hà Tĩnh). Vợ mất đã lâu rồi, hai năm nay vào sống với cậu con trai đang làm cà phê trong này. Chủ yếu vào lúc mùa màng để coi nhà giữ cửa cho con cháu và tránh rét. Từ khi “bén rễ” ở nhà bà cụ Nghệ An này, chẳng thấy cụ về quê nữa,

   Thấy làng xóm đang rỉ tai nhau về chuyện tình hai cụ này. Chẳng muốn nói gì, chỉ nghĩ rằng có lẽ nhờ những mối tình không có kết quả ấy mà Tây Nguyên thêm đẹp. Họ cứ thầm lặng có trong nhau, yêu mà không dám nói vì sợ định kiến và rồi chỉ có thể lấy nắng lấy gió lấy mưa lấy hoa lá cành để ví von. Thiện nhiên Tây Nguyên cứ thế sống trong lòng những con người có trái tim còn biết rung động.
Buôn Ama Thuột, 31/12/2014
Tây Nguyên Xanh
-----
Chào nhé năm 2014!
4 comments

Tuesday, December 30, 2014

HỌC VIỆN CHÓP BU

   Sáng nay ngồi vênh râu cáo xem ảnh chị Thủy Tiên trên mặt báo. Đang định khen cái anh thợ ảnh nào chịu khó ngoáy máy vào khu vực trên khe ngực và mông của chị ấy thế, thì thư ký vào nói thưa chủ tịch, chị có giấy tờ phải ký. Ồi ồi ôi, từ ngày làm chủ tịch tỉnh Nhàn Cư, quản lý hai cái thành phố Thất Nghiệp và Hữu Nghiệp nhọc nhằn lắm thay. Mấy cái thằng dị hợm ở phố Thất Nghiệp đệ trình giấy tờ xin mở học viện Chóp Bu. Học viện này mở ra để chuyên nghiên cứu tư tưởng, tình cảm của những tấm gương làm giàu ở phố Hữu Nghiệp. Em đi hóng lòng dân rồi ký sau.
   Ới ời, thằng thối mồm nào nó đồn với dân là em ký rồi để lúc em dạo một vòng thành phố Thất Nghiệp được nghe dân chửi không kịp vuốt mặt vì nước bọt của họ phun khi nói. Họ bảo con mụ Hứa Thị Lèo trình độ nghèo bỏ mẹ, làm chủ tịch hai năm nay mà dân vẫn thất nghiệp đều đều như tỉ lệ tham nhũng ổn định. Rằng là những tấm gương làm giàu ở thành phố Hữu Nghiệp đáng để chúng ta học tập nhưng lấy nguồn viện trợ Utachi (tạm dịch Mẹ Mình Chi, nguồn thu nhập chính của dân Thất Nghệp) của dân để chi trả cho đội ngũ cán bộ học viện Chóp Bu thì rõ là ngu, chỉ giúp cho bọn lắm nghề nhiều bạc ở phố Hữu Nghiệp thực hiện âm mưu bành trướng thôi. Nghe như kiểu rủ dân nghèo đi leo cột mỡ ăn tiền í nhỉ?
May quá, em làm chủ tịch nhưng suốt ngày ngồi phòng máy lạnh, lượn Facebook, chờ bọn chân rết đến mớm tin nên ít ai biết em khi ở ngoài đường. Lộ thân phận ra chắc dân nó xé em ra quá. Có nên ký duyệt cho thành lập học viện ấy không nhỉ? Chờ xem phong bì của mấy thằng dị hợm kia có dày không đã. Hã hã.
   Em làm quan thanh liêm lắm đấy nhé. Dinh thự của em thế này cơ mà. He he..
Tác giả ảnh:  Vidmantas Karpis
Buôn Ama Thuột, 30/12/2014
Tây Nguyên Xanh
6 comments

Sunday, December 28, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần cuối: NẢY MẦM TÌNH YÊU TRÊN CAO NGUYÊN

   Cái xóm của mình đa số là bố mẹ đi theo phong trào “cuốn chiếu vào Nam làm kinh tế mới. Họ gặp nhau trong này rồi thế nào đấy mà sinh ra lứa bọn mình tuổi sàn sàn nhau. Vậy nên bọn mình khó có cơ hội đi bắt “hủ hóa” như các bạn ở miền xuôi hay rình liền anh liền chị hẹn hò. He he. Nhưng bù lại, đến mùa cà phê tha hồ nghe lỏm các chú các anh đến tán các cô các chị hái thuê ở trong nhà...
Ngã sáu Buôn Ma Thuột - Tác giả ảnh: Lieu Nguyen
   Hồi đó, xuất khẩu lao động chưa phổ biến như bây giờ nên gặt xong vụ hè thu thì thanh niên từ các miền quê rủ nhau vào Tây Nguyên làm thuê hết. Năm nay người này hái chăm chỉ thì được chủ hoặc hàng xóm của chủ “đặt cọc” thuê năm sau và còn nhờ vả kéo theo bạn bè vào cùng. Họ vào đông lắm. Các chú các anh chưa vợ ban ngày đi làm, tối về đi...rông. Nghe đồn nhà ai có thuê con gái chưa chồng thì thôi rồi, nhà ấy tốn trà tốn thuốc lá. He he.
   Nom cái mặt của các chú các anh lấm lét nhìn ông chủ của bạn gái mà như nhìn bố vợ của nàng không bằng ấy. Hàn huyên tâm tự trong nhà chủ thì không dám, ra khỏi nhà để tỉ tê với bạn trai lại sợ bị đánh giá là gái dễ dãi nên các cô các chị ở trong buồng cứ ngồi im thin thít. Báo hại các chú các anh ngoài này hết cập nhật tin tức quê hương cho chủ nhà (đa số là cùng huyện ở quê gốc) rồi sang phán cà nhà chú năm nay sai trĩu cành. Chủ nhà nghe thế sướng rêm, được thể thêm chuyện để nói. Mất vài đêm như vậy mới được chủ gọi khéo cái Mơ cái Mận cái Đào ở chỗ nào sao nãy giờ không thấy mặt nhỉ. Sau đấy họ ra hiên nhà liếc mắt đưa tình. Bọn trẻ (như mình chẳng hạn) hay nấp sau bao cà nghe người ta tán nhau. Có bữa, đang rình đến đoạn gay cấn thì bị mẹ gọi vào học. Cái tính nhanh mồm, dạ một tiếng và bị phát hiện luôn. Ngại quá ngại luôn ấy. Hã hã.
Nơi được mệnh danh là trái tim của Dak Lak. Ảnh: Lieu Nguyen
Cũng có khi tình cảm giữa những người làm thuê nảy nở do hai gia đình đi đổi công. Hái cho nhà này mấy ngày thì vài ngày nữa hái cho nhà còn lại. Cách phân cặp hái cùng cây thường là một nam một nữ nên có điều kiện để tìm hiểu nhau. Họ yêu nhau khi nào không rõ. Kết quả là thề non hẹn biển sẽ cưới nhau. Nhưng tình cảm phát sinh trong mùa cà phê có thể với tình yêu thuở học trò. Mỗi người mỗi phương tụ họp đến. Hết mùa cà phê, ai đi đường nấy, biết khi nào...
   Nói vậy chứ vẫn có nhiều cặp xin địa chỉ rồi tìm nhau. Gặp nhau trong mùa cà này nhưng mùa cà năm sau họ dắt díu nhau vào hái thuê với tư cách là vợ chồng. Lại có người hái thuê yêu con của chủ nhà (thường là bỏ học từ sớm, ở nhà làm cà phê). Các đám cưới của những cặp ấy thường tổ chức trước mùa cà phê để... có thêm nhân công không tốn tền. Cặp vợ chồng nào mà có đoàn rước dâu chạy qua vòng xuyến ngã sáu nơi có tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột thì họ tự hào lắm đấy nhé. Đấy là lý do mình lấy hai cái ảnh rước dâu qua nơi này để minh họa cho bài viết. He he. 
   Bố mẹ mình gặp nhau trong này và xây dựng tổ ấm ở đây. Ông bà ngoại không có con trai. Mẹ mình là chị cả, may mắn lấy được bố mình là con thứ, ông bà nội lại thương dâu nên cho phép bố lập bàn thờ đàng ngoại. Mùa cà phê năm nào cũng kết thúc trước giỗ ông ngoại khoảng mười ngày. Giỗ ông ngoại là lúc mọi người xin được chuộc lỗi vì mùa cà bận bịu, việc hương khói trên bàn thơ gia tiên không được chu đáo như ngày thường. Gia đình làm mâm cơm cúng ông và một mâm thượng tạ trời đất, mâm hạ cúng thí thực cho các âm linh vong cô hồn để tỏ lòng biết ơn các chư vị ấy đã phù hộ cho mọi người có đủ sức khỏe để vượt qua mùa cà phê, an ninh mùa thu hái được ổn định. Hôm nay là một ngày như thế. Lúc này đây, khi mà mọi việc đã xong. Cảm giác thật là lâng lâng, thấy như vừa trút bỏ được một nỗi lo nào đó. Chào nhé, mùa cà phê năm Giáp Ngọ 2014!

   Bài này nữa là mình đã viết tổng cộng 15 bài về chủ đề Mùa Cà Phê. Mình đã cô gắng đăng bài viết theo từng chủ đề nhỏ ứng với từng thời điểm thực tế xuyên suốt mùa cà phê năm 2014 này. Tây Nguyên Xanh không được đào tạo chuyên ngành viết văn nên câu chữ lủng củng, lắm khi còn buông lời suồng sã nhưng cái mình muốn hướng đến đó là đừng ai nói: “dân cà phê giàu mà” trước mặt Tây Nguyên Xanh nữa nhé. Câu nói ấy làm tổn thương mình nói riêng và tất cả những người con xuất thân trong gia đình canh tác cây nông sản ở Tây Nguyên nói chung. Từ từ rồi mình sẽ kể về mùa thu hoach các loại cây nông sản khác. Chờ mình thu thập tư liệu đã nhé. He he. Nói cho vuông là chờ hóng chuyện đã với có chữ để mách lẻo. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Buôn Ama Thuột, 28/12/2014
Tây Nguyên Xanh
---
Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8Phần 9Phần 10Phần 11Phần 12Phần 13Phần 14 để đọc lại từ đầu nhé
No comments