Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, June 28, 2020

BẢO TÀNG GỖ ĐÀN HƯƠNG TÍM CỦA VỢ CHỒNG ‘ĐƯỜNG TĂNG”

June 28, 2020

Share it Please

     Tôi sinh ra ở nơi được mệnh danh là xứ sở của rừng nhưng khi biết nhận thức về cây cối thì đã nghe người lớn nói rằng gỗ quý bán cho Trung Quốc nhiều lắm. Thế là từ bé tôi đã muốn tìm hiểu người Trung Quốc đang làm gì với lượng gỗ mua khắp nơi từ Châu Á sang Châu Phi. Vừa hay, tôi cũng đang tìm hiểu cuộc đời của diễn viên đóng vai Đường Tăng trong phim Tây Du Ký phiên bản 1986, vợ chồng ông hiện nay đang là chủ một cái bảo tàng tư nhân về gỗ Đàn Hương Tím (Tử Đàn, Pterocarpus indicus Willd ). Tôi đi tìm hiểu cách làm bảo tàng tư nhân của Trung Quốc để tự mình giải đáp những thắc mắc về cách làm bảo tàng Cà Phê của Trung Nguyên ở quê nhà Dak Lak và lâu đài rượu vang ở Phan Thiết.

    Nếu như Lục Tiểu Linh Đồng có một bảo tàng Tôn Ngộ Không thì Chi Chong Rui (迟重瑞) diễn viên đóng Đường Tăng thứ ba trong phiên bản phim Tây Du Ký (1986) đang dành trọn tâm lực cho bảo tàng gỗ Tử Đàn. Kể từ khi nữ đạo diễn Dương Khiết yêu cầu ông cạo trọc đầu để tạo hình và diễn thử vai Đường Tăng đến nay ông không còn để tóc nữa. Ông đã yêu một người phụ nữ lớn hơn mình 10 tuổi, ấy là Trần Lệ Hoa (陈丽华). Ngày cưới, ai cũng xì xầm nói ông chắc chỉ tham tiền chứ yêu đương gì. Ông nắm tay vợ mà nói, thời gian sẽ trả lời tất cả. 


    Trần Lệ Hoa là con cháu của người Mãn thuộc dòng dõi Chính Kỳ trong Bát Kỳ lẫy lừng của triều đại nhà Thanh. Bà đặc biệt yêu nghề thủ công mỹ nghệ cung đình. Bà đã từng sang Ấn Độ để mua gỗ Đàn Hương Tím để về phục dựng, mô phỏng lại những cổ vật trong bảo tàng Cố Cung. Bà đã mua gỗ về và thuê thợ mộc làm mô hình toàn bộ cung điện thời nhà Thanh theo tỉ lệ 1:10. Mô hình ấy to bằng một hội trường. Bà cho xây dựng những căn phòng riêng biệt mô phỏng cuộc sống thời phong kiến. Ví dụ như du khách có thể chụp hình lưu niệm trong buồng cưới của cô dâu thời nhà Thanh. Bà trưng bày những đồ nội thất hoàn toàn bằng gỗ Đàn Hương Tím (Tử Đàn 紫檀). 


    Đối với giới đồ gỗ mỹ nghệ ở Trung Hoa, gỗ Tử Đàn là tấc gỗ tấc vàng ( 寸檀寸金“) vì đường kính của cây Tử Đàn được cho là 100 năm mới tăng 1 tấc (tương đương 3.33 centimet) và 10 phần thân thì đến 9 phần là rỗng(十檀九空,百年寸檀). Không những đẹp mà nó còn có tác dụng trong y học. Để minh chứng cho tính chống oxi mạnh của Tử Đàn, Trần Lệ Hoa đã cho du khách được nhúng tay vào thau có chứa bột mùn cưa của Tử Đàn, sau khi chà xong, da tay sáng hơn hẳn. Và trong chương trình phỏng vấn của đài truyền hình Đông Nam (tỉnh Phúc Kiến), bà đã cho người dẫn chương trình xem xác của một con rắn mối đã 18 năm đặt trên miếng gỗ Tử Đàn nhưng khi sờ lên da bụng nó vẫn cảm giác có độ nhũn dính nhất định.

    Tôi đã tham quan lâu đài rượu vang ở Phan Thiết và bảo tàng cà phê ở Dak Lak cả hai đều gợi lên cho tôi chung một câu hỏi là từ đâu người ta nảy sinh ra ý tưởng thành lập chúng và tại sao họ tự tin nó sẽ thu hút khách du lịch. Khi đối chiếu với cách làm bảo tàng tư nhân của Trung Quốc, tôi mới vỡ lẽ rằng các bảo tàng tư nhân ở ta và nước ngoài thành công bởi họ có “những câu chuyện”. Những câu chuyện ấy là gì thì mời các bạn đón đọc kỳ tới: “Diễn viên Trương Quốc Lập và talkshow Quốc Gia Bảo Tàng”

Bình Dương, 28/06/2020
Tây Nguyên Xanh
*** 
    Bài viết không hề sưu tầm từ tư liệu chữ viết, chỉ sưu tầm bằng tư liệu tiếng nói từ hai video dưới đây:

https://www.youtube.com/watch?v=89WVlxrVPLU

https://www.youtube.com/watch?v=IbSPzivIspM

---

Hàng cây Đàn Hương Tím đang nở hoa ở Đài Loan đấy.

Tác giả ảnh: 羅玨宥

Nguồn ảnh: https://www.facebook.com/profile.php?id=100001542882491

0 comments:

Post a Comment